Nhờ cần cù, nhạy bén và mạnh dạn chuyển dịch từ trồng chuối sang trồng khổ qua mà anh Trần Văn Cược, Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.
Hai năm về trước, gia đình anh Trần Văn Cược cũng như nhiều hộ nông dân khác trong xã Khánh Thuận xem cây chuối là nguồn thu nhập chính, một biện pháp lấy ngắn nuôi dài trong quá trình chờ đợi việc thu hoạch cây tràm. Tuy nhiên, do khó khăn về đầu ra, thương lái ép giá nên chuối bán ra lợi nhuận không cao.
Đa canh - đa nguồn thu
Xét thấy trồng chuối không mang lại hiệu quả bằng trồng các loại rau màu, nên đầu năm 2017, anh Cược quyết định chuyển từ độc canh cây chuối sang trồng khổ qua xen trồng keo lai.
Nhận thấy cây khổ qua sinh trưởng mạnh ở vùng đất này, trồng được quanh năm, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu trái cao, không nặng công chăm sóc nên trên 2.000 m2 đất trồng chuối năm nào, anh Cược mạnh dạn bắt tay vào xuống giống khổ qua. Anh Cược chia sẻ, vốn đầu tư ban đầu không nhiều nên anh tự lực, không vay mượn. Giống khổ qua cũng là do tự anh ươm rồi đem trồng.
Sau mỗi vụ thu hoạch, vườn khổ qua của anh Trần Văn Cược cung cấp cho thị trường hàng tấn trái.
Thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm, anh Cược đã gặp không ít khó khăn. “Khổ qua ra trái tốt, tới mùa thu hoạch khoảng 500-600 kg/lứa, nhưng thu hoạch chưa tới 5 lứa thì nước ngập úng do mưa nhiều, mặt đất thấp vì trồng xen kẽ keo lai”, anh Cược chia sẻ.
Theo anh Cược, nhược điểm của khổ qua là nhanh tàn, dễ héo, ngập úng là chết ngay. Vì ban đầu chưa có kinh nghiệm nên anh dùng lưới cước căng giàn để cho dây leo, nhưng sau một đêm gió lớn đã cắt đứt gần hết vườn khổ qua. Với bản chất cần cù chịu khó, anh không bỏ cuộc, bắt đầu từ việc nghiên cứu lại cách lập giàn, tự mình tìm kiếm đầu ra sản phẩm.
Đến thời điểm hiện tại, khi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm canh tác cho mình, mọi khó khăn ban đầu được anh Cược khắc phục. Giờ sử dụng dây gân căng giàn, tránh tình trạng lưới cưa cắt vào dây khổ qua khi gió lớn.
Cần cù thoát nghèo
Sau 55 ngày xuống giống, trung bình mỗi vụ, vườn khổ qua của anh Cược cung cấp cho thị trường hơn 5 tấn, trọng lượng 2-3 trái/kg. Khổ qua khi thu hoạch được anh đem ra chợ thị trấn Thứ 11, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang tiêu thụ. Đôi khi thương lái vô tận nhà mua nhưng không được giá bằng việc tự đi bán. Với khoảng 12 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, phân bón anh thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng/vụ. “Có những lúc trúng mùa, vườn khổ qua này cho thu nhập gần 60 triệu đồng, chi phí tôi bỏ ra chỉ khoảng 15 triệu đồng”, anh Cược háo hức chia sẻ.
Ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận cho biết, dự định sắp tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rau màu trong khu vực lâm phần rừng tràm. Tận dụng tốt đất trống để trồng rau màu các loại và cây ăn trái nhằm lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, xã cũng tranh thủ các nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhằm cải thiện thu nhập người dân dưới tán rừng.
Khổ qua được đánh giá là dễ trồng, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Trần Rô Y đánh giá: “Việc tận dụng đất trống để trồng khổ qua của hộ anh Cược rất hiệu quả, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, loại cây trồng này có thể tận dụng bờ liếp dưới tán rừng để trồng rất hiệu quả”.
Hữu Nghĩa - Phương Thảo - Báo cà Mau