Rạn nhân tạo là những vật thể tự nhiên hay do con người tạo ra được thả xuống đáy biển nhằm mục đích thay đổi quá trình sinh học, điều kiện vật lý-hải dương hay kinh tế xã hội nhằm duy trì và phát triển nguồn lợi hải sản. Rạn nhân tạo còn được hiểu là “ngôi nhà” cho các loài sinh vật biển đến sinh sống và phát triển nên có ý nghĩa lớn trong bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học biển. Rạn nhân tạo là giải pháp kỹ thuật được sử dụng nhằm tập trung, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, hạn chế tàu lưới kéo đánh bắt vùng nước ven bờ và nâng cao hiệu quả khai thác theo hướng bền vững. Hiện có khoảng hơn 30 nước trên thế giới xây dựng rạn nhân tạo nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp cho sự phát triển nghề cá biển. Rạn nhân tạo giúp thay đổi hình thức khai thác (lặn sâu, câu giải trí,…), tạo sinh cảnh, chống xói mòn, chống sự tàn phá của bão, sóng và chống khai thác quá mức.
Nhiều loại vật liệu khác nhau được sử dụng để tạo rạn nhân tạo. Tại một số nước trên thế giới sử dụng vật liệu từ các toa tàu cũ, xe hơi cũ, xe tăng cũ, vỏ máy bay hoặc có thể sử dụng các thiết bị gia dụng tạo rạn nhân tạo như: ti vi cũ, tủ lạnh cũ,… Một số nước tạo rạn nhân tạo từ các vật liệu thiên nhiên như cây dừa, cây tre,…Việc lựa chọn chất liệu để thả, vị trí điểm thả cần được khảo sát trước. Chất liệu nền đáy phần nào quyết định vật liệu sử dụng. Bên cạnh đó, mỗi loại vật liệu điều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, tùy theo điều kiện thực tế lựa chọn vật liệu tạo rạn nhân tạo phù hợp. Hiện nay, rạn nhân tạo được làm từ các khối bê tông đúc sẵn với các khoảng trồng tùy theo thiết kế để tạo khoảng trống cho các sinh vật biển cư trú được sử dụng khác phổ biến.
Tại Việt Nam, thả rạn nhân tạo san hô đã được thực hiện tại một số tỉnh như: Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa sử dụng nhiều loại rạn khác nhau từ những vật liệu từ tự nhiên như lá dừa (mô hình chà rạn) đến các khối bê tông như: cống bê tông, rạn hình trụ tròn và rạn hình lập phương. Kết quả đạt được bước đầu cho thấy hiệu quả của việc sử dụng rạn nhân tạo trong phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thực tế cho thấy, nguồn lợi thủy sản Cà Mau đang phải đối mặc với nhiều sức ép, từ việc khai thác quá mức trong thời gian dài cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, một số loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế ít xuất hiện trong thời gian gần đây như: cá đường, cá đuối đen, cá chim trắng,…Do đó, để góp phần phát triển nghề cá, cần có giải pháp bảo vệ, phục hồi nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Do đó, rạn nhân tạo được xem là một trong những giải pháp hiệu quả cần được áp dụng để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang trên đà suy giảm.