Sử dụng thực phẩm an toàn, hãy là người tiêu dùng thông thái

Hằng năm, cả nước có đến hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm, hàng chục ca tử vong. Đáng chú ý nhiều vụ ngộ độc tập thể như: bếp ăn công nhân ở các khu công nghiệp; đám tiệc; bữa ăn gia đình v..v… có khi hàng chục cas cho mỗi vụ. Riêng tỉnh Cà Mau, hiện tượng ngộ độc thực phẩm cũng đã lên đến con số hơn trăm vụ mỗi năm. Đó chỉ là số liệu do ngành Y tế thống kê được, đối với những trường hợp nặng mà nạn nhân buộc phải nhập viện, còn chưa kể những trường hợp ngộ độc nhẹ, lẻ tẻ mà nạn nhân có thể tự xử lý được tại nhà.  

 Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nó có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, vitamin và các khoáng chất cần thiết khác để nuôi cơ thể. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng việc sử dụng thực phẩm thiếu hiểu biết cũng chính là con dao hai lưỡi, không những làm thiệt hại về kinh tế, sức khỏe (điều trị sau khi bị ngộ độc), mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong, đồng thời nó còn khiến cho người bệnh bị chấn động về tâm lý và mệt mõi kéo dài. Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi tên thông dụng là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống và cũng là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... nó cũng có thể được coi là là bệnh truyền qua thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng...

Thông thường khi nói đến ngộ độc thực phẩm, người ta sẽ nghĩ ngay đến đó là do các loại thực phẩm bị ôi thiu, để lâu ngày quá hạn sử dụng. Nhưng ít ai chú ý ngộ độc nguyên nhân còn là do việc sử dụng các chất bảo quản trong chế biến; lạm dụng quá mức hàm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt (nhất là đối với các loại rau xanh), người trồng thu hoạch sớm khi dư lượng thuốc vẫn chưa phân hủy hết. Mặc khác, nguồn nước tưới tiêu dùng trong sản xuất nông nghiệp nếu bị ô nhiễm, cũng có thể dẫn đến tình trạng bị ngộ độc; thịt gia súc, gia cầm bị bơm chích tạp chất, cá tôm bị tẩm ướp các loại thuốc bảo quản… Do vậy, để tránh nguy cơ bị ngộ độc, người tiêu dùng cần phải biết cách chọn lựa những loại thực phẩm tươi sống, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiêu; thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng so với ban đầu, như vỏ đồ hộp chẳng hạn. Vì các chất này thường sẽ phát sinh ra các loại chất độc như: dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần, nó sẽ không hề bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc cho dù có được ta đun sôi. Các loại bánh kẹo có sử dụng phẩm màu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngộ độc. Phải rửa tay sạch bằng xà phòng sát trùng trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến. Nếu là đầu bếp của các quán ăn, nhà hàng thì cần phải được khám sức khỏe định kỳ, để kịp thời phát hiện các loại bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp… có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chế biến thực phẩm.

 Trong dân gian hay truyền miệng nhau về công dụng của việc sử dụng các loại mật động vật, mật cá. Nhưng thật chất, khoa học đã chứng minh không có tác dụng nào, mà thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng nếu sử dụng các loại mật động vật chưa được chiết xuất. Đã có nhiều vụ tử vong rất thương tâm do sử dụng mật cá trắm cỏ, ăn thịt cá nóc, nấm độc, khoai tây đã mọc mầm v..v… Thực tế, việc phòng ngừa dạng ngộ độc rất phức tạp do các dấu hiệu nhận biết không rõ ràng và tiềm ẩn trong thực phẩm mà khó đánh giá, phát hiện bằng mắt thường. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất vẫn là chọn mua các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm; vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, nấu chín, mở vung khi đun nấu… Rau sống chưa được rửa sạch cũng là một nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Nhưng đồng thời, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm có hiệu quả đòi hỏi còn phải có sự kết hợp chặt chẽ từ vai trò của các cơ quan chức năng, về công tác quản lý từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong chăn nuôi, các loại phụ gia thực phẩm, chất bảo quản. Thực phẩm luôn có một ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người, sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, không an toàn đều có thể bị ngộ độc. Hiểu rõ được nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn và các biện pháp phòng tránh là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người trong xã hội, hạn chế được rủi ro thiệt hại về nguồn lực tài chính của gia đình. Vì thế, mỗi chúng ta, hãy luôn là người tiêu dùng thông thái.

                                                         Phương vũ