Từ một nông dân nghèo khó, nhưng với mong muốn vươn lên thoát nghèo, anh Lê Hoàng Vũ, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, đã thành công từ mô hình nhân giống lươn đồng, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Vũ đang làm vệ sinh, thay nước bồn lươn nuôi bố mẹ.
Có được như ngày hôm nay, anh Vũ phải trải qua nhiều tháng ngày vất vả và cũng không biết bao lần thất bại từ con lươn. “Gian nan không nản”, sau nhiều lần thất bại từ việc nhân giống lươn đồng, anh Vũ cố công đi học hỏi thêm kinh nghiệm ở một số chủ trang trại nuôi lươn giống ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp… Còn ở quê nhà, anh không bỏ lỡ một cuộc tập huấn chăn nuôi nào của cán bộ khuyến nông. Anh còn thường xuyên tham khảo, trau dồi thêm tài liệu chăn nuôi qua sách, báo.
Đúc kết kinh nghiệm học hỏi được, anh mạnh dạn đầu tư từ mô hình nuôi lươn thương phẩm chuyển sang nuôi lươn đẻ, bán con giống. Nhưng nguồn con giống tự kiếm không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi nên buộc lòng anh phải thu mua thêm con giống ở chợ. Và rồi lại một lần nữa anh gánh thêm thất bại, bởi lươn giống chết hàng loạt, do con giống mua trôi nổi bên ngoài. Nhất là tập tính lươn còn hoang dã chưa thích nghi với môi trường nuôi trong hồ, quan trọng hơn là kích cỡ, trọng lượng con giống không đồng đều cũng khó chăm sóc. Rủi ro lớn nhất là lươn giống anh mua bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi không cao.
Không nản chí, anh tiếp tục thực nghiệm lại quy trình cho lươn đẻ và qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn trong môi trường tự nhiên, anh tiến hành thiết kế bể nuôi lươn đẻ. Khi lươn đã đẻ trứng xong, anh vớt trứng đưa sang bể ấp nhưng tỷ lệ con giống đạt chưa cao. Sau nhiều lần đúc kết, những lứa trứng tiếp theo tỷ lệ ấp nở luôn đạt từ 70-80%. Diện tích bể nuôi nhà anh cũng bắt đầu được mở rộng, từ vài trăm mét vuông ban đầu nay đã lên đến hơn 2.000m2, với 6.000 con lươn bố mẹ. Mỗi năm, anh xuất bán hơn 1 triệu con giống, giá bán trung bình từ 3.000-3.500 đồng/con, sau khi trừ các khoản chi phí, anh còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, anh Vũ cho biết để đạt được hiệu quả cao, người nuôi cần cho lươn bố mẹ ăn đầy đủ dưỡng chất thì trứng mới phát triển tốt. Con giống bố mẹ phải đạt trọng lượng từ 200-250 gram/con thì mới có khả năng sinh sản hiệu quả. Theo lối nuôi này, cứ cách nhau 10 ngày, anh thu hoạch trứng lươn một lần, mỗi lần từ 300-500 trứng/ổ/con. Sau đó, anh đem trứng vào bể ấp từ 7-8 ngày trứng nở thành con, qua thời gian nuôi dưỡng 1-2 tháng, anh xuất bán lươn con. Anh Vũ cũng cho biết thêm, đặc tính lươn nuôi thường hay mắc bệnh về đường tiêu hóa, vì vậy người nuôi cần phải chia đều các cử ăn của lươn để có sức đề kháng.
Một số hộ dân nuôi lươn trong ấp cho biết ngoài việc sản xuất và bán con giống, anh Vũ còn là người hướng dẫn kỹ thuật nuôi, giúp đỡ bà con một cách tận tình. Đặc biệt là mô hình nuôi lươn thịt trong bể không cần bùn, người nuôi có thể tận dụng chuồng trại nuôi heo cũ, ốp lót thêm gạch men, hoặc tô hồ dầu láng để tránh lươn bị trầy xước là có thể nuôi được. Ngoài ra, nếu hộ ít đất, có thể dùng bạt cao su tạo thành bể với diện tích vài mét vuông, gắn thêm ống nhựa để tiện cho việc thay nước. Bởi lươn nuôi thích nghi môi trường thoáng mát, nguồn nước phải sạch, cho lươn ăn cũng phải đúng giờ, thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, trong bể đặt thêm vài chùm dây ni-lông đen làm ụ cho lươn trú ẩn.
Ông Chiêm Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Viễn A, cho biết hiện nay mô hình nuôi lươn trong bể bạt đang được bà con trong xã nhân rộng. Bởi mô hình này là cách làm hay, chi phí đầu tư thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ dân áp dụng, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Bài, ảnh: QUANG HẢI