Anh Ngọc sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để nuôi trùn quế và ếch, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, đặc biệt là không sử dụng thuốc kháng sinh. Đối với trùn quế, anh tận dụng lục bình trên các kênh, rạch xay và ủ thành phân làm thức ăn cho trùn. Cách làm này mang lại hiệu quả tương đương nuôi trùn quế bằng phân bò hay các loại phân chuồng khác. Anh nuôi hơn 200m2 trùn quế, bình quân 1m2 cho thu hoạch khoảng 1,5kg trùn thịt/tháng, một số được dùng làm thức ăn cho ếch, số còn lại bán cho khách hàng trong và ngoài huyện. Anh chia sẻ: “Nuôi trùn quế ít tốn thời gian, chi phí, chỉ cần cho ăn, giữ độ ẩm và tạo con giống một lần, sau đó trùn tự sinh sôi”.
Phía dưới vèo ếch được nuôi cá trê
Đối với ếch, anh Ngọc chọn loại ếch Thái, tự phối giống và nuôi ếch thịt theo hướng an toàn sinh học với 1.500 cặp ếch bố mẹ được nuôi riêng biệt.
Mỗi đợt, anh cho 500 cặp phối giống trong bể tạo mưa để kích thích ếch đẻ nhiều trứng. Ngoài ra, anh còn làm vèo nuôi ếch thịt dọc theo tuyến kênh sau nhà với hơn 50.000 con. Trong quá trình nuôi, anh không sử dụng thuốc kháng sinh mà tận dụng các loại cây thuốc nam có trong tự nhiên, sắc thuốc lấy nước, trộn vào thức ăn để phòng và chữa bệnh cho ếch. Nhờ vậy, ếch luôn khỏe, mau lớn, ít bệnh, giảm chi phí. Anh cho biết thêm: “Nuôi ếch rất dễ, cho ếch ăn 2 lần/ngày. Tôi thường trộn tỏi và một số loại cây cỏ khác và thức ăn nhằm tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa và phòng bệnh cho ếch. Con nào có dấu hiệu bị bệnh, tôi loại ra, làm thức ăn cho cá”.
Bên cạnh đó, anh Ngọc còn kết hợp nuôi cá trê phía dưới vèo ếch để tận dụng thức ăn thừa và các chất thải của ếch mà không cần tốn thêm chi phí thức ăn nhưng vẫn bảo đảm cá sinh trưởng tốt. Qua hơn 1 năm thực hiện, mỗi tháng anh thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng từ mô hình nuôi trùn quế, ếch, cá.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến Bình - Lê Văn Nô cho biết: “Qua đánh giá, đây là mô hình khá hiệu quả và rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương với chi phí thấp”./.
Duy Thanh - baolongan.vn