Theo VASEP, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu tôm đứng hàng đầu thế giới với hơn 700.000 ha diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng tôm. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD, theo đà phát triển dự kiến đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD. Để đạt được kỳ vọng này ngành tôm cần nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại và đề ra các giải pháp giải quyết các vấn đề về bao tiêu sản phẩm, chi phí sản xuất, môi trường, dịch bệnh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường quốc tế,…
Tổng quan ngành tôm (nguồn VASEP.com.vn)
Một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay sau đại dịch Covid 19 kéo dài thì tất cả giá thành đầu vào phục vụ việc sản xuất tôm đều tăng đáng kể, các nước EU và Mỹ lạm phát tăng cao nên giá tôm nguyên liệu giảm mạnh. Giá tôm nguyên liệu hiện tại giảm thấp 20% đến 30% so với cùng kỳ, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Ecuado hơn 20%, điều này đã gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho người nuôi tôm ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đứng trước những thách thức khó khăn lớn cho ngành tôm như hiện nay cần nhất vẫn là xác định được những vấn đề tồn tại và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Hiện nay, hầu hết những người nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long là những người có ít diện tích đất canh tác, ít vốn và am hiểu về kỹ thuật nuôi tôm còn hạn chế. Do đó, khi chuyển đổi phương thức canh tác từ hình thức nuôi quảng canh sang hình thức nuôi thâm canh và siêu thâm canh thì với chi phí đầu tư hệ thống công trình ao, thiết bị máy móc nhiều, chi phí cho con giống, thức ăn, thuốc hoá chất cao thì người nông dân phải sử dụng nguồn vốn vay, họ sử dụng bằng khoán đất để thế chấp và vay tiền từ ngân hàng hoặc là nhận sự đầu tư từ các cửa hàng, đại lý kinh doanh với giá thành rất cao.
Bên cạnh chi phí vốn lưu động cho một vụ nuôi rất lớn, thì chi phí thức ăn cho tôm thường chiếm khoảng 50% đến 70% của vụ nuôi. Đồng thời với diện tích nuôi nhỏ nên người nông dân muốn có sản lượng lớn nên chọn nuôi mật độ cao từ 200 đến 300 con/m2. Do đó, người nuôi tôm phải cung cấp thức ăn có từ 40% đến 45% protein để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của tôm nuôi. Với loại thức ăn này, thì giá bán trên thị trường dao động từ 42.000 đến 51.000 đồng/kg, như vậy nếu như nuôi tôm đạt kích cở 30 con/kg thì hệ số tiêu tốn thức ăn từ 1,4 đến 1,6. Như vậy, chi phí thức ăn để nuôi ra 1kg tôm nguyên liệu dao động khoảng 67.000 đồng đến 82.000 đồng, trong khi giá bán ra hiện tại tôm nguyên liệu chỉ khoảng 90.000 đến 100.000 đồng/kg. Đồng thời các chi phí lớn khác như con giống, điện, thuốc,… nếu đem tính vào thì người nuôi chỉ cầm chắc thua lỗ.
Để chia sẽ khó khăn với người nuôi tôm, tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh hiện nay có rất nhiều gói đầu tư cho người nuôi khi mua thức ăn cho tôm, cụ thể như: chiết khấu 11.000 đ/kg thức ăn cho khách hàng trả tiền mặt, chiết khấu 8.000 đ/kg khi khách hàng trả tiền mặt nuôi đến 100 con/kg và chiết khấu 5.000 đ/kg đối với khách hàng được đại lý đầu tư toàn bộ từ ban đầu nhưng thanh toán đủ vào cuối vụ nuôi. Tuy nhiên, chính sách chiết khấu này không phải đại lý nào cũng thực hiện cũng như không phải người dân nào cũng được hưởng chiết khấu từ nhà cung cấp. Do đó, người nuôi tôm ít vốn, thiếu vốn sẽ lệ thuộc rất lớn vào các cửa hàng, đại lý kinh doanh và khi thua lỗ thì người nuôi tôm chịu rất nhiều thiệt thòi, thậm chí là mất hết tài sản.
Con giống đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vụ nuôi, nó góp phần quyết định thành công của vụ nuôi, đặc biệt khi nuôi tôm với mật độ cao. Người nuôi tôm luôn được khuyến khích chọn con giống khoẻ, sạch bệnh và cần chủ động nguồn giống. Tuy nhiên, chi phí cho việc chọn đạt con giống sạch bệnh, xét nghiệm bệnh tôm giống tương đối lớn và mất nhiều thời gian, đều này ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của vụ nuôi. Mặt khác, do người nuôi mua với lượng nhỏ nên không thể mua tôm giống trực tiếp từ các công ty để được các chế độ chăm sóc khách hàng mà phải mua từ các đại lý, nhà bán trung gian, từ đó người nuôi tôm mất khoảng lợi từ 10% đến 20%, đồng thời việc chọn con giống cũng lệ thuộc vào nhà bán trung gian mà người nuôi không chủ động chọn lựa con giống hay xét nghiệm tôm giống.
Thuốc, hoá chất dùng trong ao nuôi tôm chiếm khoảng 20% tổng chi phí của vụ nuôi, tuy nhiên về chất lượng thuốc và hiệu quả thuốc sử dụng trong ao nuôi thì rất khó để đánh giá do chế độ bảo quản, mức độ tương thích, liều lượng sử dụng,…. Hiện nay, theo xu thế phát triển và đáp ứng nhu cầu thị trường có rất nhiều công ty thuốc mới được thành lập, có những công ty thuốc có nhà máy sản xuất, có những công ty hợp tác gia công từ các công ty khác. Do đó, mức chiết khấu từ công ty đến đại lý các cấp có sự chênh lệch rất lớn, dao động từ 30% đến 60%, với mức chiết khấu cho đại lý cao như vậy sẽ được các công ty lựa chọn 2 phương án (1) giảm chất lượng thuốc để giảm giá thành tạo ra sản phẩm (2) tăng giá bán lẻ và chiết khấu ngược lại cho đại lý. Qua đó cho thấy các công ty thường lựa chọn giảm chất lượng sản phẩm để giảm giá bán lẻ sẽ hướng đến mong muốn của người tiêu dùng và đảm bảo được tính cạnh tranh trên thị trường. Việc giảm chất lượng thuốc đồng nghĩa với hiệu quả giảm và người dân đã sử dụng tăng liều lượng. Một thực trạng nữa là người nuôi tôm đã sử dụng các loại thuốc dùng cho con người để cho tôm nuôi ăn, vừa tăng hiệu quả sử dụng vừa giảm chi phí vụ nuôi, nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tạo ra, ảnh hưởng đến môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng sản phẩm.
Qua nhìn nhận trên cho thấy sự chênh lệch về các chi phí đầu vào làm tăng giá thành sản phẩm trong khi giá tôm nguyên liệu lại giảm thấp bởi lạm phát làm cho người nuôi tôm đã vất vả thì nay khó khăn lại chồng chất. Nếu người nuôi được hưởng các chính sách chiết khấu từ các công ty (giống như các đại lý tự nuôi tôm) thì sẽ giảm được giá thành và tăng lợi nhuận. Để dễ hình dung về sự chênh lệch chi phí giữa đại lý tự nuôi và người dân nuôi tôm được đại lý đầu tư 100% được hạch toán sơ bộ như sau:
Nội dung | Thông số chung | Chi phí vụ nuôi | |
Đại lý (ngàn đồng) | Hộ dân (ngàn đồng) | ||
Diện tích ao (m2) | 1000 |
|
|
Mật độ tôm nuôi (con/m2) | 300 | (300.000 x 95) 28.500 | (300.000 x 120) 36.000 |
Điện | 5(loại 2,2kw) | 60.000 | 60.000 |
Thời gian nuôi (ngày) | 90 |
|
|
Khối lượng thức ăn (42% đạm hệ số thức ăn 1,3) | 10.400 | (10.400 x 27.000) 280.800 | (10.400 x 45.000)468.000 |
Khối lượng tôm thu hoạch (size thu 30 con/kg, tỷ lệ sống 80%) | 8.000 | (8.000 x 115.000) 920.000 | (8.000 x 115.000) 920.000 |
Chlorine (kg) | 500 | (500 x 33.500) 16.750 | (500 x 50.000)25.000 |
Thuốc tím (kg) | 250 | (250 x 60.000)15.000 | (250 x 100.000) 25.000 |
Men vi sinh (kg) | 10 | (10 x 100.000)1.000 | (10 x 300.000)3.000 |
Thuốc tăng sức đề kháng (lít) | 50 | (50 x 140.000) 7.000 | (50 x 240.000)12.000 |
Thuốc bổ gan (lít) | 50 | (50 x 280.000)14.000 | (50 x 590.000)29.500 |
Chi phí nhân công và chi phí khác |
| 60.000 | 60.000 |
Chi phí cho 1 kg tôm |
| (483.050.000/8.000) 60,381 | (718.500.000/8.000) 89,812 |
Lợi nhuận cho 1 kg tôm |
| ((920.000.000 – 483.050.000)/8.000) 54,618 | ((920.000.000 – 718.500.000)/8.000) 25,187 |
Như vậy trên cùng 1 diện tích ao nuôi, cùng một kích cở tôm thu hoạch và cùng sử dụng thức ăn, thuốc,… như nhau thì chi phí đầu vào của người nông dân cao hơn đại lý là 29.431 đồng/kg và 1 vụ nuôi với sản lượng 8000kg thì người nông dân mất phần lợi nhuận là 235.448.000 đồng.
Thực trạng trên cho thấy việc tìm giải pháp để người nuôi tôm theo hướng bền vững, tăng năng suất đi kèm với tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người là điều rất cần thiết ngay lúc này. Cụ thể là:
Cần phát huy sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nuôi tôm với nhau: hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã,… tạo điều kiện gắn kết trao đổi thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cùng nhau tổ chức sản xuất đồng loạt để cùng nhau hưởng chế độ chiết khấu trực tiếp từ các nhà cung ứng khi mua hàng với số lượng lớn. Sản lượng đầu ra lớn có thể bán trực tiếp cho công ty lớn hạn chế được tình trạng ép giá, mất tôm,…. Đặc biệt, các hộ nuôi tôm cùng liên kết nhau trong việc chọn lựa tôm giống thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí và thời gian, chọn được tôm khoẻ, sạch bệnh và chủ động được con giống thả. Việc thả tôm đồng loạt cũng tạo điều kiện cho việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi tốt hơn rất nhiều.
Đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nuôi tôm, hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.
Các cấp ngành quản lý cần quản lý chặt chẽ hơn nữa về chuyên môn, đổi mới phương pháp quản lý cho phù hợp với thực tiễn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới, kiến thức thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt đến người dân.
Người nuôi tôm cần cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, nắm vững kiến thức chuyên môn nghề nuôi trước khi áp dụng. Người nuôi tôm cần am hiểu rõ về quy trình kỹ thuật, vận dụng có sáng tạo trong điều kiện khí hậu biến đổi và chấp hành đúng các quy định của Nhà nước nhằm bảo vệ môi trường xung quanh đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải, chất thải.
Ao xử lý nước thải – Hệ thống ao nuôi tôm
Máy cho tôm ăn
Người nuôi tôm cần trang bị, cập nhật kiến thức chọn lựa sản phẩm sử dụng cho đầu vào (thức ăn, thuốc, hoá chất,…) đảm bảo các tiêu chuẩn thực hành nuôi thuỷ sản tốt, hạn chế tối đa các dư lượng thuốc, hoá chất trong sản phẩm, nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Từ đó, sản phẩm tôm nguyên liệu tạo ra dễ dàng hướng đến được thị trường quốc tế đặc biệt là các thị trường khó tính, qua đó giá tôm nguyên liệu cũng sẽ tăng cao hơn.
Thiết kế hệ thống nuôi và đầu tư trang thiết bị, máy móc phù hợp với quy trình công nghệ nuôi tôm. Thiết kế hệ thống nuôi đảm bảo phải có ao lắng lọc và ao xử lý nước thải, ao ương nuôi có mái che, trang bị máy móc vào canh tác hạn chế được nhân công lao động trực tiếp từ đó hạn chế được giá thành và hạn chế lệ thuộc vào nhân công lao động.
ThS. Huỳnh Hiếu Lộc - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau