Ngày 23 tháng 9 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Chủ trì Hội nghị với chủ đề: Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Lần đầu tiên Thủ tướng chính phủ làm việc với Bộ KH&CN được kết nối với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là dịp để tỉnh Cà Mau rà soát thực trạng và những khó khăn trong việc phát triển thị trường KH&CN thời gian qua và nhận diện những khó khăn vướng mắc.
Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 - Ảnh: St
1. Thực trạng về phát triển thị trường khoa học, công nghệ ở tỉnh Cà Mau
Thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, ở tỉnh Cà Mau thời gian qua, thị trường khoa học và công nghệ của tỉnh còn chậm phát triển.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai một số hoạt động nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ của địa phương như: Tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh; khảo sát cung cầu công nghệ đối với 07 nhóm lĩnh vực hoạt động gồm: Chế biến xuất khẩu thủy sản; sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; trồng, khai thác rừng và chế biến gỗ; y dược; môi trường và đô thị; chế biến và sản xuất bột cá; in ấn. Qua việc nắm bắt nhu cầu công nghệ, Sở đã tiến hành tìm kiếm những công nghệ phù hợp trong và ngoài tỉnh thông qua các sự kiện kết nối cung cầu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh, khai thác cổng thông tin cung cầu công nghệ, thông qua giới thiệu công nghệ của các đơn vị để tư vấn chuyển giao và kết nối cung - cầu công nghệ phục vụ cho sản xuất và đời sống của tổ chức và cá nhân trong tỉnh Cà Mau.
Hàng năm đã tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ với chủ đề phù hợp để phát triển một số ngành hàng chủ lực của tỉnh. Thông qua Hội thảo đã giới thiệu một số nội dung cho cán bộ quản lý và các tổ chức, cá nhân liên quan về công nghệ, giới thiệu các chuyên đề về tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Đối với Cà Mau lĩnh vực chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản là thế mạnh của địa phương, các công nghệ làm lạnh bằng không khí và tiếp xúc, công nghệ làm lạnh không khí Chiller; công nghệ lạnh đông Block, hệ thống cấp đông băng chuyền IQF, công nghệ cấp đông nhanh IQF & RF; công nghệ dò kim loại, tạp chất; sử dụng môi chất lỏng NH3. Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ nhập ngoại từ các nước như G7, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác với mục tiêu tạo ra sản phẩm mới, nâng cấp chất lượng sản phẩm và giảm giá thành, giảm tỉ lệ lỗi và tiết kiệm năng lượng. Trình độ công nghệ của các nhà máy chế biến thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt mức tiên tiến so cả nước và khu vực.
Về đào tạo, tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng năng lực chuyên gia phát triển thị trường khoa học công nghệ với 58 đại biểu tham dự cho đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, cán bộ làm công tác phát triển thị trường khoa học công nghệ ở các doanh nghiệp,… Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ còn tổ chức kết nối giữa bên cung và bên cầu về công nghệ. Kết quả kết nối và chuyển giao thành công một số công nghệ như: Hệ thống giám sát chất lượng nước online “TC-918”; Máy gặt đập liên hợp trên vùng đất lúa - tôm; Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời các sản phẩm thủy sản; website bán hàng trực tuyến; Máy đánh vảy cá;…
Nhìn chung xuất phát điểm về KH&CN và thị trường KHCN của tỉnh còn thấp, quá trình phát triển còn nhiều khó khăn, chậm hình thành thị trường KH&CN. Mạng lưới KH&CN chưa phát triển rộng ở các ngành, các cơ sở sản xuất và xã hội, môi trường làm việc chưa tốt nên tri thức ngoài tỉnh về công tác chưa nhiều.
2. Khó khăn, vướng mắc
Hàng năm, việc đăng ký thực hiện các nhiệm vụ KH&CN còn dàn trải, chưa tập trung để giải quyết các yêu cầu cấp bách của địa phương. Số lượng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp, những lĩnh vực khác chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là lĩnh vực khoa học tự nhiên làm mất cân đối trong nghiên cứu và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Nhân rộng những kết quả nghiên cứu, những mô hình hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, chưa thành lập được quỹ phát triển KH&CN, chưa hình thành được các vườn ươm doanh nghiệp KH&CN. Nguyên nhân là do tiềm lực KH&CN của tỉnh còn hạn chế, đội ngũ cán bộ KH&CN đầu đàn trong tỉnh còn thiếu và yếu, tỷ lệ đội ngũ trí thức có trình độ từ cao đẳng, đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 0,89% lao động của tỉnh. Đa số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc nghiên cứu, cải tiến đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị hàng hoá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Công tác xã hội hoá các hoạt động KH&CN chưa đạt hiệu quả. Tâm lý trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước còn phổ biến, trong khi đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN vẫn ở mức nhất định.
Tuy có nhiều kết quả nghiên cứu từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ nhưng số lượng các công nghệ mà tỉnh Cà Mau thực sự làm chủ là chưa nhiều. Giá trị nghiên cứu sâu, rộng, bao quát và giá trị tăng thêm trong đầu tư thực hiện nhiệm vụ KH&CN chưa cao, giá trị khoa học trong sản phẩm sản xuất ra chiếm tỷ lệ chưa lớn. Nguyên nhân chính là do đầu tư nghiên cứu còn chồng chéo với quản lý ngành, chưa nhất quán, còn manh mún, thiếu tập trung, trọng tâm, trọng điểm và suất đầu tư nhỏ.
Mặc dù hành lang pháp lý và cơ chế, tuy đã hình thành, xong do được ban hành vào các thời điểm khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, chưa phù hợp với bản chất và quy luật phát triển khách quan của thị trường KH&CN nên hiện tồn tại nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn, cản trở thị trường khoa học và công nghệ phát triển.
Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vị trí, vai trò của thị
trường KH&CN trong phát triển kinh tế thị trường còn chưa đầy đủ, toàn diện. Công tác tuyên truyền về thị trường khoa học và công nghệ chưa được tiến hành tương xứng với yêu cầu thực tế.
3. Đề xuất, kiến nghị
- Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa đổi ban hành các Thông tư hướng dẫn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN từ lúc hình thành đến khi kết thúc để áp dụng tại các địa phương.
- Bộ Khoa học và Công nghệ cần cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn kết để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện nghiên cứu, trường đại học theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ...
- Nghị định số 76/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ được ban hành quy định nhiều chính sách mới cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, các nội dung hỗ trợ chưa được đưa vào các chương trình quốc gia liên quan để hiện thực hóa các cơ chế hỗ trợ.
- Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách nhà nước thì thuộc sở hữu của nhà nước. Kinh phí thu được từ việc thương mại hóa hầu hết phải nộp lại cho nhà nước. Như vậy không khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Mặt khác các thủ tục giao quyền và định giá kết quả nghiên cứu còn khá phức tạp.
- Hầu hết các Doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ tài chính từ Nhà nước cho hoạt động đổi mới công nghệ thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ hoặc các chương trình hợp tác khác có liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành đổi mới công nghệ các doanh nghiệp gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Tiêu chuẩn tham gia các đề tài, dự án từ ngân sách nhà nước của địa phương và Trung ương cao; trình tự, thủ tục phê duyệt kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khó tiếp cận các thông tin của các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; khó vay vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ từ các tổ chức tín dụng ...
- Cần có các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học, đổi mới và phát triển thị trường công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Chưa thực sự có những cơ chế, chính sách kích thích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
- Đẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống về thị trường khoa học và công nghệ... Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ cũng được tăng cường.
- Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả chuyên gia khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách liên thông thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; đẩy mạnh hợp tác viện, trường - doanh nghiệp; xây dựng các chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.
- Các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức trung gian và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thị trường khoa học và công nghệ, công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo./.
Nguyễn Đình Văn - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau