Tình hình nuôi tôm trên thế giới và ở Việt Nam, đề xuất giải pháp KH&CN cho nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau.

       Nuôi tôm siêu thâm canh (STC) ở Cà Mau là mô hình đột phá, rất có triển vọng để phát triển trong tương lai. Bắt đầu phát triển từ năm 2016 với diện tích chỉ 175ha, nay tăng lên 1.750 ha. Hiện nay công nghệ nuôi tôm STC ở Cà Mau chủ yếu áp dụng theo Semi Biofloc kết hợp với tuần hoàn khép kín; Mô hình CPF và Quy trình nuôi hai giai đoạn, ít thay nước. Hiệu quả nuôi STC khá cao với tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 90%, năng suất từ 40-50 tấn/ha/vụ, nuôi 3 - 4 vụ/năm, đạt 120-150 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, nuôi tôm STC bộc lộ nhiều khó khăn và thách thức: lệ thuộc bên ngoài về con giống và nguyên vật liệu đầu vào, vấn đề xử lý môi trường, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng, nguồn vốn đầu tư lớn, trình độ tiếp thu và ứng dụng công nghệ của người dân còn thấp. Thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) và công nghiệp sinh học; khuyến khích ứng dụng CNSH trong nuôi tôm STC như quy trình nuôi tuần hoàn sinh học khép kín, Biofloc, Semi Biofloc, các quy trình nuôi ít thay nước; tiếp nhận công nghệ, từng bước chủ động sản xuất con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học tại chỗ để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.

       1. Dự báo tình hình phát triển nuôi tôm trên thế giới và ở Việt Nam

       Về tình hình nuôi tôm: Hiện nay, trên thế giới có khoảng 50 nước nuôi tôm (VASEP, 2016) và các vùng nuôi trọng điểm như Đông Nam Á (ĐNA), Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Trung Đông (GOAL, 2016). Sản lượng tôm thế giới được dự báo tăng trưởng hơn 90% cho giai đoạn 2010 - 2030, riêng ĐNA sẽ tăng hơn 100% (FAO, 2015). Loài tôm được nuôi phổ biến nhất là tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và kế đến là tôm sú (Penaeus monodon), trong đó tôm thẻ chân trắng đóng góp sản lượng lớn nhất, chiếm 72% sản lượng. Sản lượng tôm nuôi thế giới có thể đạt 4,44 triệu tấn vào năm 2018 (GOAL, 2016) và khoảng 4,49 triệu tấn vào năm 2020 (FAO, 2016). Châu Á sẽ đóng góp 3,65 triệu tấn vào năm 2018, trong đó tăng trưởng chủ yếu là từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ (GOAL, 2016).

Hệ thống Biogas bằng túi nhựa HDPE xủ lý môi trường nước cho nuôi tôm công nghiệp - Ảnh Tg

     Ở Việt Nam hiện nay có gần 694.645 ha nuôi tôm, trong đó có khoảng 560.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến với năng suất trung bình chỉ 200-350 kg/ha. Hình thức nuôi này có thể tăng năng suất cao gấp 3-4 lần nếu áp dụng những giải pháp khoa học công nghệ (KHCN) phù hợp. Đối với nuôi tôm thâm canh, năng suất bình quân vẫn còn thấp, khoảng 4 tấn/ha, có thể nâng cao năng suất từ 1,5 đến 2 lần so với hiện tại. Thêm vào đó, ngành tôm Việt Nam vẫn còn tiềm năng có thể chuyển diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả khoảng 300.000 ha sang nuôi tôm để đạt con số 1 triệu ha. Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 là 650.000 ha, trong đó: nuôi tôm sú khoảng 560.000 ha; tôm thẻ chân trắng là 90.000 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ toàn vùng đạt 700.000 - 825.000 tấn, trong đó: tôm sú đạt 350.000 - 375.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 350.000 - 450.000 tấn (Viện KT&QHTS, 2015). Riêng ở Cà Mau, sản lượng tôm nuôi sẽ đạt trên 280.000 tấn vào năm 2020.

       Về thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm: Dân số thế giới được dự báo đến năm 2020 đạt 7,76 tỷ người (UNDP, 2016; WPF, 2017) và nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi sẽ đạt trên 80 gram/người/năm, bình quân tăng 6,91%/năm (FAO, 2016). Như vậy, tổng nhu cầu tôm nuôi trên thế giới đến 2020 khoảng 6,55 triệu tấn. Nếu khu vực nuôi tôm trọng điểm của thế giới không bị tác động lớn bởi dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thì nguồn cung chỉ đạt khoảng 4,44 triệu tấn vào 2018 (GOAL, 2016) và khoảng 4,49 triệu tấn vào 2020, bình quân tăng 4,14%/năm (FAO, 2016).

Bảng 1: Dự báo lượng cung tôm chế biến xuất khẩu (nghìn tấn) của các quốc gia hàng đầu thế giới đến 2020 (FAO và Hiệp hội Tôm Thái Lan, 2016)

       Như vậy, nhu cầu tôm nuôi trên thế giới có tỷ lệ gia tăng nhanh hơn nguồn cung và lượng tôm nuôi thiếu hụt khoảng 2,06 triệu tấn so với nhu cầu của thế giới vào 2020. Ngược lại, nếu các khu vực sản xuất tôm nguyên liệu bị tác động mạnh bởi ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thì nguồn cung tôm nuôi sẽ bị thiếu hụt càng trầm trọng hơn (VIFEP, 2015). Ba thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất trên thế giới là Mỹ, Nhật và EU. Dự báo đến 2020, tổng lượng cung tôm chế biến xuất khẩu của 9 quốc gia và khu vực hàng đầu thế giới giới trong đó có Việt Nam chỉ mới cơ bản đáp ứng nhu cầu của 3 thị trường Mỹ, Nhật và EU (FAO, 2016; GOAL, 2016).

       Về ứng dụng tiến bộ KHCN trong nuôi tôm: Tổng quan về nghề nuôi tôm trên thế giới hiện nay cho thấy có nhiều công nghệ nuôi tôm tiên tiến đang được áp dụng khá phổ biến. Các công nghệ nuôi tiên tiến nhất hiện nay bao gồm: Copefloc, công nghệ nuôi tôm mới sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên; công nghệ nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men; Nuôi tôm theo qui trình 3 pha (three-phase) trong ao; Nuôi tôm raceway siêu thâm canh nhiều tầng (super-intensive stacked raceway); Semi-biofloc trong nuôi tôm thâm canh; Biofloc trong nuôi tôm siêu thâm canh; Ương nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy (raceway); Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính (Triệu Thanh Tuấn, 2016). Xu hướng sắp tới, các nhà khoa học các nước có nghề nuôi tôm phát triển sẽ tiếp tục sử dụng kỹ thuật di truyền trong nuôi thủy sản, các quy trình nuôi tôm bằng công nghệ sinh học (CNSH), nuôi tôm theo quy trình an toàn sinh học, quy trình nuôi tôm trong nhà kính, nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa và xử lý dịch bệnh, phòng chống ô nhiễm môi trường. Nổi bật nhất là quy trình Biofloc, Copefloc, công nghệ nuôi tuần hoàn, quy trình công nghệ nuôi tôm tiết kiệm nước.

       Ở Việt Nam, thành tựu KHCN trong nuôi thủy sản đã có những tiến bộ vượt bậc, nhất là CNSH, xét nghiệm chẩn đoán bệnh, quy trình công nghệ nuôi đã góp phần đưa cơ cấu giá trị ngành hàng tôm tăng cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Cà Mau hoàn toàn có thể tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới áp dụng vào điều kiện thực tế của địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thị trường trong thời gian tới, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ KHCN trong nuôi tôm siêu thâm canh.

       2. Thực trạng nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau

       Nuôi tôm siêu thâm canh (STC) bắt đầu phát triển ở Cà Mau từ năm 2016 với diện tích 175ha và năng suất trung bình khoảng 20 tấn/ha/năm. Đến tháng 6 năm 2018, diện tích STC tăng lên 1.747,306 ha với 1.606 hộ, Trong đó diện tích ao gièo 29,065 ha; ao nuôi 352,306 ha; ao lắng thô 89,547 ha; ao lắng xử lý 638,503 ha; ao sẵn sàng 400,718 ha; ao xử lý thải 237,793 ha (CCTS CM, 2018). Năng suất STC trung bình đạt khoảng 40 tấn/ha/năm (tính theo tổng diện tích với 25-40% diện tích nuôi, 60-75% diện tích các công trình phụ). Hiện nay, người nuôi tôm rất quan tâm đến loại hình nuôi tôm STC này. Theo đánh giá của các chuyên gia về nuôi thủy sản cho rằng đây là mô hình đột phá, rất có triển vọng để phát triển trong tương lai.

       Hiện nay công nghệ nuôi tôm STC ở Cà Mau chủ yếu được áp dụng theo 03 quy trình kỹ thuật: Semi Biofloc kết hợp hay không kết hợp với tuần hoàn khép kín; mô hình CPF-Combine Program của Công ty CP (bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C); và quy trình công nghệ nuôi hai giai đoạn, ít thay nước của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh. Qua thời gian nuôi, đánh giá hiệu quả loại hình này khá cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 90%, năng suất nuôi đạt từ 40-50 tấn/ha/vụ, mỗi năm có thể nuôi 3-4 vụ, năng suất có thể đạt tới 120-150 tấn/ha/năm (tính trên diện tích mặt nước ao nuôi), cá biệt có một số hộ thu hoạch 80-100 tấn/ha/vụ nuôi (CCTS CM, 2018). Tuy nhiên, trong thực tế đa phần người dân nuôi tôm thường không theo một quy trình chuẩn nào mà có nhiều sáng kiến hay thích ứng với các điều kiện nguồn lực thực tế sẵn có để làm sao nuôi tôm có hiệu quả nhất. Qua thực tiễn việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm STC thông qua mô hình Semi Biofloc đã mang lại hiệu quả rất rõ nét. Hiệu quả được thể hiện qua các chỉ số là giá thành (khoảng 62.000 đồng/kg, kích cỡ 40-45 con/kg), chất lượng sản phẩm (không kháng sinh) và hạn chế ô nhiễm môi trường (chất thải được xử lý qua hệ thống biogas, ao sinh học và kết hợp nuôi cá).

       Tuy nhiên, nuôi tôm STC ở tỉnh Cà Mau cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn và hạn chế để phát triển hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Các khó khăn và thách thức trọng tâm ảnh hưởng đến áp dụng KH&CN trong nuôi STC, cụ thể như sau:

       - Về giống và các nguyên liệu đầu vào cho các mô hình nuôi STC hầu như phụ thuộc hoàn toàn từ bên ngoài, chưa chủ động sản xuất tại chỗ. Công nghệ sản xuất tôm giống mặc dù có tiến bộ, nhưng giống sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu mà chủ yếu là tôm sú, chất lượng giống còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, vật tư, thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm chưa ổn định. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy sản xuất thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chất cải tạo môi trường trong nuôi tôm, nên giá thành sản xuất tôm còn cao, không chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho nuôi tôm STC.

       - Về tổ chức sản xuất: Tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ và manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Liên kết sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững, chủ yếu do thiếu cơ chế phù hợp, chưa hợp lý trong phân chia lợi ích và nhìn chung nông hộ chưa quan tâm, doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và thúc đẩy các hình thức liên kết phát triển. Kinh tế hợp tác chậm phát triển, hộ gia đình đang là đơn vị sản xuất chính, sản phẩm làm ra kém đồng nhất về chất lượng, sản lượng thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Những hạn chế trên làm cho việc ứng dụng công nghệ nuôi vào sản xuất còn nhiều khó khăn.

       - Về công nghệ nuôi: Mặc dù người dân và doanh nghiệp đã có rất nhiều cố gắng trong việc tiếp cận và áp dụng tiến bộ KHCN vào trong nuôi tôm STC, tuy nhiên hiện nay chưa có quy trình công nghệ nuôi chuẩn, ổn định cho nuôi tôm STC ở Cà Mau mà mang tính đại diện để có thể khuyến cáo cho người nuôi tôm áp dụng rộng rãi. Người nuôi tôm thường qua kinh nghiệm thực tiễn từ nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh rồi tiến dần lên nuôi STC, đa phần chưa được huấn luyện đào tạo bài bản, trình độ tiếp thu và ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế.

       - Về xử lý chất thải: Mặc dù vấn đề xử lý môi trường đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên đa số các hộ nuôi tôm STC vẫn chưa xây dựng được hệ thống xử lý chất thải trong nuôi tôm một cách hoàn chỉnh, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều công trình nuôi chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường, đồng thời nhiều hộ nuôi cũng chưa có ý thức tốt trong việc xả thải đã gây ô nhiễm môi trường. Theo khảo sát thực tế, có nhiều hộ nuôi không biết phải làm như thế nào và phải áp dụng công nghệ gì để xử lý chất thải trong nuôi tôm vì thiếu thông tin, các dịch vụ cũng như tổ chức hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

       3. Các đề xuất và kiến nghị

       Để đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN trong nuôi tôm STC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững ở Cà Mau trong thời gian tới cần quan tâm một số đề xuất và kiến nghị như sau:

       Một là, nên thực hiện nghiên cứu thí điểm các khu vực sản xuất tôm STC khép kín hoàn toàn và cách ly với môi trường bên ngoài, thực hiện mô hình liên kết cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm tôm thương phẩm đầu ra để đảm bảo kiểm soát được tính đồng nhất về chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh.

       Hai là, làm tốt công tác quản lý nhà nước về KH&CN, tạo điều kiện cho các tổ chức và nhà khoa học tham gia nghiên cứu, chuyển giao KHCN vào sản xuất. Huy động các nguồn lực để nhập khẩu, nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để từng bước làm chủ các quy trình mới trong lĩnh vực nuôi, sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y và phòng ngừa dịch bệnh. Từng bước chủ động sản xuất con giống, thức ăn có chất lượng và chế phẩm sinh học để ứng dụng trong nuôi tôm. Cần nghiên cứu tạo đột phá mô hình cấp nước biển sạch, sử dụng tiết kiệm nước trong nuôi tôm STC.

       Ba là, phối hợp với các Viện, Trường, khuyến khích các Doanh nghiệp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao các quy trình công nghệ tiên tiến trong gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống, nuôi và chế biến tôm. Tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn tôm bố mẹ tự nhiên ở vùng biển Cà Mau, đây là nguồn cung cấp bố mẹ quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tôm giống.

       Bốn là, khuyến khích việc ứng dụng CNSH trong nuôi tôm STC, phát huy hiệu quả các quy trình nuôi tuần hoàn sinh học khép kín, Biofloc, Semi Biofloc, các quy trình nuôi ít thay nước đã được áp dụng ở Cà Mau. Tăng cường nghiên cứu, cải tiến các mô hình này cũng như ứng dụng các mô hình nuôi mới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Cà Mau. Khuyến cáo hạn chế sử dụng các loại hoá chất và tiến tới không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm STC. Thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh về ứng dụng CNSH và công nghiệp sinh học.

       Năm là, ứng dụng công nghệ giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động trong ao nuôi, tích hợp công nghệ IoT (Internet of Things) trong giám sát ao nuôi STC, ứng dụng trợ lý ảo để được tư vấn kỹ thuật. Thiết lập hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nước mặt ở các vùng nuôi STC tập trung để kiểm tra chất lượng môi trường nước nhằm thông tin kịp thời cho người nuôi. Ứng dụng công nghệ như biogas, chế phẩm sinh học, ao sinh học kết hợp nuôi cá để xử lý triệt để đạt quy chuẩn môi trường trước thải ra môi trường nước mặt hay tuần hoàn tái sử dụng.

       Sáu là, tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm STC cho chủ các trang trại, hộ nuôi và công nhân nuôi tôm. Các chủ trang trại hay hộ nuôi tôm STC cần phải có chứng chỉ quản lý, công nhân nuôi tôm phải có chứng chỉ kỹ thuật qua các khoá huấn luyện kỹ thuật. Khuyến khích triển khai nuôi tôm STC áp dụng các mô hình canh tác theo tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC, CoC, sinh thái để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững./.

TS. Quách Văn Ấn