1. Sơ lược về nguồn dược liệu
Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng thực vật để chữa bệnh. Việc chữa bệnh này ban đầu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính, dần dần hình thành các nền y học mà ngày nay các nhà khoa học gọi là y học cổ truyền (Nguyễn Thượng Dong, 2006). Theo nghiên cứu của tổ chức y tế thế giới (WHO), đến năm 1985, thế giới biết trên 20.000 loài thực vật bậc thấp và bậc cao (trên tổng 25.000 loài thực vật đã biết) được sử dụng trực tiếp để làm thuốc và có khoảng 80% dân số trên thế giới dựa vào nền y học cổ truyền để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó chủ yếu là từ thuốc cỏ (Farnworth N.R. and Soejarto D.D, 1985 trích dẫn của Nguyễn Cao Long, 2009). Cây dược liệu phân bố không đều ở các nước trên thế giới và đa số dược liệu được thu hái từ môi trường tự nhiên. Trong những thập niên gần đây, nhu cầu sử dụng dược liệu mọc hoang dại tăng lên từ 8%-15% một năm ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á (Kia F.J. et al., 2018). Ngày nay việc sử dụng dược liệu khá phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Pakistan, Sri Lanka và Thái Lan; riêng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 40% dược liệu (Daz R. A. et al, 2017).
Ở Việt Nam, cây dược liệu đã tồn tại và được người dân sử dụng trong chữa bệnh rất lâu đời, đặc biệt dược liệu và thuốc y học cổ truyền có vai trò quan trọng công việc bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (Nguyễn Thượng Dong, 2006). Sau giải phóng, Bộ Y tế đã ra quyết định số 324/BYT-QĐ ngày 13/04/1961 thành lập Viện Dược liệu với chức năng nghiên cứu và chỉ đạo công tác nuôi trồng dược liệu và nghiên cứu sản xuất thuốc dược liệu trong cả nước.
Hình 1: Các loại cây thuốc nam sử dụng ở Cà Mau
Kết quả điều tra từ năm 1961 đến 1986, nguồn dược liệu tự nhiên của Việt Nam bao gồm 3.948 loài cây thuốc, 408 loài động vật làm thuốc, 75 khoáng vật và 52 loài tảo biển lớn. Theo thống kê năm 2000, Việt Nam có 3.830 loài thực vật và nấm được dùng làm thuốc, thuộc 246 họ thực vật (Nguyễn Thượng Dong, 2006). Điều này cho thấy tiềm năng cây thuốc của nước ta rất phong phú. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, do phát triển công nghiệp, phá rừng làm nương rẫy, xây dựng công trình dân sự,... nguồn dược liệu nước ta suy giảm một cách nghiêm trọng: sự phân bố tự nhiên, thành phần các loài cây giảm mạnh, trữ lượng các cây thuốc ngày càng cạn kiệt, nhiều cây thuốc quí có nguy cơ tuyệt chủng (Nguyễn Cao Long, 2009).
Với thực trạng suy kiệt nguồn dược liệu và chủ trương phát triển của Bộ Y tế đối với ngành dược liệu, các nhà nghiên cứu cũng đã nhận ra tầm quan trọng và giá trị sử dụng của nguồn dược liệu nên đã bắt đầu tập trung chú ý nghiên cứu và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này trên cả nước. Từ năm 2014, nhiều nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực trạng, tính đa dạng, công dụng và giá trị sử dụng nguồn dược liệu ở cả ba khu vực Bắc-Trung-Nam trong cả nước, cụ thể:
- Khu vực miền Bắc: Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có đến 647 loài, thuộc 433 chi của 137 họ trong 4 ngành thực vật bậc cao có mạch (chiếm 55,7% tổng số loài đã biêt). Tại khu vực nghiên cứu, đồng bào các dân tộc Tày và Dao đã có tập quán sử dụng cây thuốc để chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh từ rất lâu đời. Các loài cây thuốc mà đồng bào Tày thường khai thác, sử dụng khá phong phú (223 loài/176 chi/84 họ) và nhiều hơn hẳn so với đồng bào dân tộc Dao (164 loài/136 chi/72 họ). Trong số đó có 151 loài/130 chi/71 họ được cả hai dân tộc cùng sử dụng làm thuốc (Nguyễn Thị Hải, 2018). Hai xã Thông Thụ và xã Hạnh Dịch, huyên Quế Phong, tỉnh Nghệ An có 139 loài, 120 chi (giống) và 64 họ, trong đó có thể sử dụng cả cây hay một bộ phận của cây để làm thuốc: các loài sử dụng lá chiếm 59,7%, thân 17, 9%, quả 8,63%, tiếp theo là hạt, củ, rễ, hoa và vỏ với tỉ lệ thấp (Nguyễn Thượng Hải và ctv., 2013). Tỉnh Thái Nguyên có 24 cây thuốc quý thuộc 18 chi, 17 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch nằm trong diện cần bảo vệ theo Sách đỏ Việt Nam (2007) (Lê Thị Thanh Hương và ctv., 2014).
- Khu vực miền Trung: Xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có 77 loài, trong đó có 70 loài thuộc ngành hạt kín (chiếm 90,9%); các ngành khác, mỗi ngành chỉ có từ 1-3 loài (từ 1,3-3,9%). Về giá trị sử dụng, có 12 loài chữa bệnh ngoài da, 14 loài chữa cảm, ho, hạ sốt, 11 loài chữa bệnh đường tiêu hóa, 13 loài chữa tê thấp, đau nhức, 12 loài chữa bệnh phụ nữ và 15 loài chữa bệnh khác (Trần Thế Hùng và Đinh Thị Lệ Giang, 2014). Huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có tổng cộng 45 loài cây dược liệu thuộc 26 họ; trong đó có 2 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và có 6 loài quý hiếm theo sự nhận định của người dân địa phương. Cây thuốc được khai thác chủ yếu từ thiên nhiên (84,44%). Dựa trên kiến thức bản địa, những cây dược liệu ở đây có thể được sử dụng để điều trị 12 bệnh khác nhau, nhiều nhất là dùng để điều trị viêm xương khớp, thận, nội tiết và gan (Vo Van Minh et al., 2014). Nguyen Phuong Hanh et al. (2014) ghi nhận ở vùng đệm Vườn quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk có tổng 66 loài cây thuốc truyền thống của người K’ho thuộc 61 chi, 40 họ. Nhìn chung, dược liệu tươi được dùng đun hoặc sắc để uống là chủ yếu và lá là bộ phận được sử dụng phổ biến nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy cộng đồng K’ho vẫn phụ thuộc vào cây thuốc để chữa trị một số bệnh như đâu đầu, sốt, sốt rét, ỉa chảy, lị, gãy xương, bong gân và thấp khớp. Pham Thi Kim Thoa et al. (2015) khẳng định khu bảo tồn Bà Nà (Núi Chúa), tỉnh Quảng Nam có tổng cộng có 280 loài cây dược liệu (thuộc 106 họ); trong đó, 22 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Cây dược liệu được khai thác chủ yếu từ rừng tự nhiên (168 loài - 60%). Thảo dược là hình thức phổ biến nhất của cây thuốc được sử dụng (35,36%), tiếp theo là cây (28,21%) và cây bụi (20%). Dựa trên kiến thức bản địa, những cây dược liệu ở đây được sử dụng để điều trị 15 bệnh khác nhau, phổ biến nhất là điều trị dạ dày, ruột kết, viêm ruột, bệnh gan và thận.
- Khu vực miền Nam: Cây dược liệu vùng Bảy Núi, An Giang rất phong phú và đa dạng, nhiều công dụng chữa bệnh với 226 loài, thuộc 79 họ, 3 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành Thông (Pinophyta), ngành Dương xỉ (Pteridophyta) và ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta). Trong đó, có 6 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) (Lê Thị Thu Sương và ctv., 2017). Khu vực núi Cấm, An Giang có 120 loài, thuộc 107 chi, 4 họ của 2 ngành thực vật là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Ngọc lan (Magnoliophyta) là ngành đa dạng nhất với 117 loài, 104 chi, 51 họ. Hệ thực vật trong phạm vi nghiên cứu có 4 nhóm dạng sống trong đó nhóm cây dạng thân thảo có số loài nhiều nhất với 44 loài và thấp nhất là nhóm cây thân gỗ với 21 loài. Rễ là bộ phận được sử dụng làm thuốc với tỉ lệ cao nhất. Thấp khớp, nhức mỏi, ho, sốt và tiêu chảy là các nhóm bệnh sử dụng cây thuốc ở đây điều trị hiệu quả nhất (Phùng Thị Hằng và ctv., 2018). Vùng rừng ngập mặn huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có 132 loài thực vật bậc cao có mạch có công làm thuốc của 119 chi thuộc 65 họ trong 2 ngành thực. Các loài cây thuốc được sử dụng để chữa trị 24 nhóm bệnh khác nhau (Nguyễn Văn Hiếu, 2016). Năm 2013, trên địa bàn Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và rừng cụm đảo Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau đã ghi nhận có 503 loài ở 03 hệ sinh thái, trong đó có 30 loài cây có công dụng làm thuốc (Đặng Trung Tấn, 2013).
2. Đa dạng thực vật ở Cà Mau
Khu vực Mũi Cà Mau (gồm 04 xã Đất Mũi, Viên An, Đất Mới và Lâm Hải) thuộc bán đảo Cà Mau. Khu vực này có tổng diện tích là 37.753,70 ha (không tính phần đất ngập nước biển ven bờ) với sự phá triển mạnh của rừng ngập mặn. Diện tích đất có rừng ở Mũi Cà Mau là 18.129,85 ha (chiếm 48,02% tổng diện tích khu vực), trong đó rừng tự nhiên là 6.865,03 ha (chiếm 18,16%), rừng trồng 11.273,82 ha (chiếm 29,86%) và cây trồng khác (thảm thực vật khác) 19.623,85 ha (chiếm 51,98%). Thảm thực vật tự nhiên của khu vực này (diện tích 25.544,55 ha) gồm có rừng Mắm, Đước, Mắm-Đước và hỗn giao và cây bụi-cỏ; thảm thực vật trồng (12.209,15 ha) gồm có rừng Đước, Mắm, cây trồng hàng năm và cây trồng trong khu dân cư (Phạm Hạnh Nguyên và ctv., 2014).
Hình 2: Các loại cây thuốc nam sử dụng ở Cà Mau
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có hệ thực vật phong phú với 27 loài cây ngập mặn với quần thể gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, vẹt và rừng mắm; trong đó có 02 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam là đước đôi và quao nước (Nguyễn Văn Hiểu, 2015).
Cụm đảo Hòn Khoai ghi nhận được 227 loài, thuộc 70 họ; trong đó có 03 loài mới của Việt Nam là: cỏ lào bông tím; trai Hòn Khoai (tên khoa học là Commelina sp, họ Commelinaceae); ráng (dương xỉ) Hòn Khoai (thuộc họ Lomariopsidaceae - chỉ có ở Ấn Độ và Campuchia hay mua sam). Riêng cây rong lá mơ (Sargassum sp) đang nghi ngờ là loài mới của thế giới, cần phải gửi mẫu ra nước ngoài xác định (Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2013).
3. Sự phát triển y học cổ truyền ở Cà Mau
Từ buổi đầu khai phá mở mang bờ cõi, người dân Cà Mau đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng thuốc dân gian gắn liền với quá trình đấu tranh với thú dữ, rừng sâu, nước độc, dịch bệnh,... Ngày nay còn lưu truyền lại những tập tục ăn uống chữa bệnh gắn liền với quá trình sinh hoạt lao động sản xuất và chiến đấu, trải qua hàng trăm năm lịch sử Cà Mau, nhiều bài thuốc được lưu truyền trong dân gian rất phong phú không thể thống kê hết được (Nguyễn Kỳ Nam, 2008).
Đến thời phong kiến, do tập quán ăn ở chưa hợp vệ sinh khiến cho nhiều dịch bệnh hoành hành, người dân Cà Mau đã biết dùng cây cỏ quanh mình để làm thuốc và biết sáng tạo ra những cách thức chữa bệnh không dùng thuốc, góp phần làm đa dạng, phong phú kho tàng kinh nghiệm dân gian trong phòng chống bệnh tật (Nguyễn Kỳ Nam, 2008).
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp cai trị đã hạn chế và chèn ép hoạt động Đông y Việt Nam, từ đó Đông y bị Tây y chiếm ưu thế. Trong giai đoạn này, nhiều người Hoa sang Việt Nam tìm đất lập nghiệp đã mở ra nhiều tiệm thuốc Bắc ở nước ta; còn hoạt động y học cổ truyền rất hiếm, chỉ còn lại một số bài thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian bùa chú, phù phép (Nguyễn Kỳ Nam, 2008).
Sau năm 1945, số người Hoa này dời về Cà Mau mở tiệm buôn bán thuốc Bắc (Vĩnh Phước Đường, Đức An Đường, Miên Thọ Đường,..) lập thành Hội Tương tế người Hoa. Người dân Cà Mau đã tích cực phát huy vai trò của Đông y trở lại, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Từ đó xuất hiện thuốc Đông dược được sản xuất với số lượng lớn đáp ứng cho nhu cầu các nơi trong tỉnh (Nguyễn Kỳ Nam, 2008).
Sau 1975, Cà Mau đã thành lập Hội Đông y, Hội Châm cứu và nhiều cơ sở khám chữa bệnh bằng Y dược học cổ truyền trong hệ thống y tế nhà nước và tư nhân (Nguyễn Kỳ Nam, 2008).
Hình 3: Các loại cây thuốc nam sử dụng ở Cà Mau
Ngày nay, tỉnh Cà Mau đã ra đời nhiều cơ sở khám chữa bệnh Y học cổ truyền như Bệnh viện Y học cổ truyền Cà Mau (năm 2001) và DNTN Trung tâm kế thừa và ứng dụng y học cổ truyền Nguyễn Kỳ Nam (năm 2007) đã nâng cao vị thế không nhỏ trong việc khám chữa bệnh cho người dân.
4. Thuốc nam và tình hình khám chữa bệnh theo Đông y ở Cà Mau
Thuốc nam là những loại thuốc, thảo dược xuất phát trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam hay còn gọi là “thuốc ta” để phân biệt với các loại thuốc có nguồn gốc và bào chế theo sách của Trung Quốc truyền sang (thuốc Bắc). Cây thuốc nam có nhiều ưu điểm như chữa bệnh tốt, hiệu quả cao, thậm chí trị được những bệnh mãn tính, lại dễ tìm, rẻ tiền, dễ sử dụng, dễ trồng, dễ chăm sóc (Đỗ Tất Lợi, 2004). Thêm vào đó, nếu sử dụng cây thuốc nam đúng cách lâu dài sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc trị bệnh và chăm sóc sức khỏe (Nhi Nhi, 2017). Bên cạnh đó, thuốc nam còn được biết đến với công dụng làm đẹp cho phụ nữ, chẳng hạn như một số loài thảo mộc (cam thảo, hoa cúc), các vị thuốc vị bạch giúp làm trắng da, lưu thông mạch máu giúp da trở nên hồng hào.
Từ khi còn Tỉnh Minh Hải củ, tổng diện tích vườn thuốc nam trong toàn tỉnh là 15 ha trên 100 vườn có khoảng 250 loại cây thuốc được thu hái mỗi năm với hàng trăm tấn dược liệu tươi và khô (Nguyễn Kỳ Nam, 2008).
Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, diện tích vườn thuốc của tỉnh Cà Mau còn lại và phát triển mới có 55 vườn thuốc nam lớn nhỏ với diện tích trên 5 ha có khoảng 250 loại cây thuốc. Hằng năm thu hái trên 300 tấn dược liệu tươi và khô đưa vào phục vụ công tác chữa bệnh. Một số loại dược liệu quý của tỉnh đang đứng trước nguy cơ khan hiếm, dược liệu giảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Diện tích trồng bị thu hẹp. Số loại cây trồng ít đi. Cà Mau có hàng trăm loại cây thuốc nhưng đến năm 2008 chỉ có khoảng vài chục loại được khai thác trồng sử dụng rộng rãi tại các vườn thuốc của các chùa Tịnh Độ (Nguyễn Kỳ Nam, 2008).
Năm 2009, Cà Mau có khoảng 50 cơ sở Đông y và cây dược liệu trong tỉnh rất phong phú nhưng không được tập trung trồng, chế biến, bảo quản và số lượng ban đầu sản xuất còn hạn chế. Để từng bước nhân rộng số lượng và chất lượng cây dược liệu, Cà Mau đã thực hiện dự án “Sản xuất giống các loài cây dược liệu thông dụng để cung cấp cho các vườn cây thuốc nam trong tỉnh Cà Mau” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Minh Hải chủ trì, Kỹ sư Lương Văn Minh và Lương y Nguyễn Kỳ Nam đồng chủ nhiệm. Trong hai năm 2009 và 2010, dự án đã sản xuất được 131.800 cây giống/20 loài, có 32 cơ sở nhận cây giống với tổng số lượng là 79.650 cây của 20 loài trên cho các Hội Đông y, trạm y tế, nhà chùa, vườn thuốc,... Các cây thuốc quý trên bao gồm Bạc Hà, Kinh Giơi, Sâm Bố Chính, Ngũ Gia Bì, Cối Xay, Ích Mẫu, Ngại Diệp, Ké Đầu Ngựa, Xuyên Tâm Liên, Y Dỉ, Mã Đề, Thiên Niên Kiện, Sâm Đại Hành, Trinh Nữ Hoàng Cung, Đinh Lăng, Lô Hội, Dâu Tằm Ăn, Mía Lau, Dành Dành, Râu Mèo đã được nhân rộng và tỏa ra khắp nơi trong tỉnh (Lương Văn Minh và Nguyễn Kỳ Nam, 2011).
Hình 4: Các loại cây thuốc nam sử dụng ở Cà Mau
Cà Mau bắt đầu dự án đưa 20 loại cây thuốc bản địa quý xuống các vườn thuốc trong tỉnh do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Minh Hải và Hội Đông y tỉnh Cà Mau; đồng chủ nhiệm đề tài là Kỹ sư Lương Văm Minh và Lương y Nguyễn Kỳ Nam cùng thực hiện.
Năm 2010, Hội Ðông y tỉnh Cà Mau có 600 hội viên, mạng lưới rộng khắp tám huyện và thành phố. Hội đã phát triển thêm 20 vườn thuốc nam, thu hoạch được hơn 400 tấn dược liệu (Hoàng Anh, 2010).
Nhằm tạo nguồn nhiên liệu thuốc nam phục vụ chữa bệnh cho nhân dân, từ năm 2012, Hội Đông y tỉnh Cà Mau đã phát động duy trì và nhân rộng vườn thuốc Nam mẫu trong toàn tỉnh. Tính đến tháng 09/2016, vườn thuốc nam mẫu đã nhân rộng trong tất cả các huyện, thị, thành, 100% các xã phường thị trấn đều có vườn thuốc Nam mẫu với quy mô khác nhau cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh miễn phí trong tỉnh (Đức Thọ và Đỗ Huy, 2016).
Đầu năm 2017, toàn tỉnh Cà Mau hiện có 12.000 hội viên Hội Đông y, mạng lưới đông y được bao phủ khắp các xã, phường góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khoẻ người dân. Ngoài các vườn thuốc nam mẫu, trong hộ dân và các cơ sở đông y trồng được trên 5 ha thuốc nam với hơn 200 loại thuốc từ thông thường đến quý hiếm phục vụ khám, chữa bệnh (Huyền Anh, 2017).
Trong năm 2017, theo khảo sát của Hội Đông y tỉnh Cà Mau toàn tỉnh có 263 vườn thuốc nam với tổng diện tích trên 15 ha. Trong đó, các cấp hội Đông y có 132 vườn; tại các Trạm y tế, Phòng khám đa khoa khu vực cũng triển khai thực hiện 95 vườn; có 32 vườn của các tôn giáo; 3 trường học duy trì mô hình… Hơn 10.000 hộ dân trồng thuốc nam với tổng số cây thuốc trên 300 loài. Những vườn thuốc mẫu phần nào giúp người dân biết và sử dụng hiệu quả nguồn thuốc nam (Nhi Nhi, 2017).
5. Tình hình sử dụng và phát triển cây thuốc nam ở Cà Mau
Việc gây trồng, thu hái, sử dụng và khám chữa bệnh bằng thuốc nam đã sớm được tỉnh Cà Mau quan tâm, chú trọng và phát triển trong nhiều năm qua. Từ khi tách tỉnh (từ tình Minh Hải cũ) năm 1997, tỉnh Cà Mau có 55 vườn thuốc nam lớn nhỏ với diện tích trên 5 ha với khoảng 250 loại cây thuốc (Nguyễn Kỳ Nam, 2008). Hội Đông y tỉnh Cà Mau đã hướng dẫn các hộ dân về cách trồng cây thuốc nam, phổ biến rộng rãi công dụng chữa bệnh của từng cây thuốc nam và hướng dẫn cách thu hái, phơi, bảo quản và sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh tại gia đình đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả (Kim Há, 2013). Qua quá trình duy trì, nhân rộng và phát triển cây thuốc nam trong toàn dân, năm 2017, toàn tỉnh đã có 263 vườn thuốc nam với tổng diện tích trên 15 ha; trong đó, các cấp hội Đông y có 132 vườn; tại các Trạm y tế, Phòng khám đa khoa khu vực cũng triển khai thực hiện 95 vườn; có 32 vườn của các tôn giáo; 03 trường học duy trì mô hình… Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 10.000 hộ dân trồng thuốc nam với tổng số cây thuốc trên 300 loài, bao gồm cỏ mần trầu, cỏ bạc đầu, ngũ gia bì, từ bi, đỗ trọng, thần thông, đậu xăng, hà thủ ô…Những vườn thuốc này đã góp giúp người dân biết và sử dụng hiệu quả nguồn thuốc nam (Nhi Nhi, 2017). Thêm vào đó, tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai thực hiện dự án “Sản xuất giống các loài cây dược liệu thông dụng để cung cấp cho các vườn cây thuốc nam trong tỉnh Cà Mau” và đề tài “Xây dựng tiêu bản thực vật Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, rừng cụm đảo Hòn Khoai” đã góp phần định danh, sản xuất cây giống dược liệu, cung cấp tài liệu kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản cây dược liệu. Thông qua đó đã góp phần phát triển cây dược liệu rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích cây dược liệu Cà Mau có xu hướng giảm do môi trường sống của cây dược liệu (tồn tại cùng với hệ sinh thái rừng và nông nghiệp nông thôn) bị thu hẹp dần bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do kết quả của việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Cà Mau đã chuyển đổi khoảng 40.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh một vụ lúa, một vụ tôm (Minh Triết, 2018). Thứ hai, do sạt lở bờ biển đã kéo theo khoảng 3.810 ha rừng phòng hộ biển Tây bị mất (Minh Triết, 2018). Thứ ba, do nắng nóng kéo dài khiến cho hơn 33.000 ha rừng ở Cà Mau bị khô hạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao (Hữu Tùng, 2019) và có khoảng 3.500 m2 rừng tràm tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh bị cháy (Kim Há, 2018). Ngoài ra, do biến đổi khí hậu đã làm cho nhiều vùng ở Cà Mau bị xâm nhập mặn, cụ thể: tiểu vùng mặn hóa có 33.952 ha, tiểu vùng ngọt hóa có 56.897 ha và tiểu vùng ngọt lợ có 26.248 ha đất bị mặn hóa (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, 2016); điều này khiến cho sinh trưởng của cây trồng bị ức chế và năng suất giảm (Nguyễn Thanh Hiền, nd). Tất cả những điều trên đã kéo theo sự suy giảm của các loài cây thuốc nam trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Do đó, cần có những nghiên cứu nhằm phát triển việc trồng cây thuốc nam trong vườn tập trung, nhất là vườn tại hộ dân. Nghiên cứu tìm hiểu thêm các bài thuốc nam trong dân gian đồng thời hướng dẫn người dân chế biến và sử dụng các bài thuốc nam sẵn có trong khu vườn nhà hoặc địa phương mình ở. Nhất là trong điều kiện giãn cách xã hội do Covid-19, việc đi lại khó khăn thì việc tự phòng và chữa bệnh tại nhà người dân là hết sức cần thiết.
ThS. Trần Thanh Dũng, ThS. Phạm Văn Trọng Tính, ThS. Nguyễn Thị Bạch Kim, ThS. Trần Duy Phát, ThS.Nguyễn Thành Trực - Khoa Phát triển Nông thôn – Đại học Cần Thơ