Sau hơn 2 năm phát triển mạnh, đến thời điểm này, có thể khẳng định, nuôi tôm siêu thâm canh (STC) chính là yếu tố tạo đột phá để tỉnh thực hiện thành công, kỳ vọng trở thành trung tâm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về ngành tôm.
Tăng tốc
Trong 4 tháng đầu năm 2018, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh ước đạt gần 30.000 tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Xu hướng phát triển thời gian qua đã để lại những khó khăn thách thức: Vấn đề xử lý môi trường, thiếu vốn đầu tư, trình độ tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong dân còn thấp, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhất là điện phục vụ sản xuất của người dân.
Sau thời gian nuôi tôm hầm đất không ổn định, hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi mạnh dạn áp dụng thực hiện mô hình nuôi tôm STC, với diện tích hơn 322ha, 357 hộ nuôi. Qua kiểm tra, chỉ mới có 121 hộ tương đối đủ điều kiện, 84 hộ không đủ điều kiện có thể bổ sung, khắc phục; còn lại không đủ điều kiện, khó có khả năng khắc phục. Chủ yếu là thiếu ao xử lý nước thải và thiếu diện tích tối thiểu để thực hiện quy trình nuôi STC là 10.000m2. Xã Tạ An Khương Nam có 38 hộ nuôi tôm STC, với diện tích trên 46ha. Qua kiểm tra, có 25 hộ thực hiện đúng quy trình. Còn xã Tân Dân có 22 hộ nuôi STC, diện tích hơn 25ha. Qua kiểm tra, cơ bản các hộ thực hiện đúng quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh ước đạt gần 30.000 tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Coi trọng môi trường
Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác: Phú Tân, Cái Nước… cũng đang phát triển mạnh mô hình tôm STC. Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm STC trên địa bàn huyện Cái Nước áp dụng quy trình biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi heo để xử lý chất thải trong tôm nuôi STC, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo nguồn khí gas phục vụ sinh hoạt hằng ngày Ông Trần Quốc Việt (ấp Tân Ánh, xã Phú Hưng) đang thả nuôi 3 ao tôm nuôi STC, diện tích tương đương 5.000m2. Ông sử dụng bạt trải đầm tôm có chiều rộng 8m, chiều dài hơn 20m và dùng máy ép tấm bạt thành hình ống để làm túi ủ biogas. Túi được đặt dưới ao xử lý chất thải. Một đầu được bịt kín, đầu còn lại đấu nối với ống nhựa có đường kính 140mm dẫn đến khu vực ao đầm tôm nuôi STC.
Khi xi-phông, chất thải từ dưới đầm tôm STC được thông qua hệ thống lược, tách phần xác tôm lột đưa ra ngoài phơi khô dùng làm phân, còn phần chất thải của tôm và thức ăn dư thừa được đưa về túi biogas để xử lý. Với cách xử lý này, môi trường nguồn nước và môi trường không khí ở khu vực nuôi tôm STC của gia đình ông Việt luôn được đảm bảo, đồng thời còn có nguồn khí gas phục vụ sinh hoạt. Nếu không áp dụng quy trình xử lý chất thải bằng biogas chăn nuôi, chất thải của tôm nuôi STC được chứa trong khu xử lý chất thải lâu ngày với số lượng lớn, sẽ bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.
Hiện trên địa bàn huyện Cái Nước có khoảng 10 hộ dân đang áp dụng quy trình biogas trong chăn nuôi để xử lý chất thải tôm nuôi STC. Bước đầu đã phát huy hiệu quả nên ngành đang khuyến cáo các hộ nuôi tôm STC ứng dụng quy trình xử lý chất thải này nhằm góp phần bảo vệ môi trường nguồn nước trong nuôi tôm. Việc dùng bạt trải đầm tôm để làm túi biogas, giá thành tuy có cao hơn so với cao su trắng bán trên thị trường, nhưng bù lại an toàn hơn, không sợ bị rò rỉ khí gas và thời gian sử dụng có thể kéo dài từ 3 - 5 năm.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hầu hết các hộ dân nuôi tôm STC đang ứng dụng quy trình xử lý chất thải biogas, chủ yếu tự tìm tòi và lắp đặt nên nguy cơ rò rỉ khí gas trong quá trình sử dụng là rất cao, tiềm ẩn xảy ra cháy nổ hoặc ngộ độc khí gas là không nhỏ. Để giúp các hộ nuôi tôm STC trên địa bàn huyện nắm vững quy trình lắp đặt túi ủ biogas xử lý chất thải, hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước đang phối hợp với ngành chuyên môn cấp tỉnh hướng dẫn bà con nuôi tôm thực hiện đúng quy trình, góp phần hạn chế xảy ra tai nạn do khí gas rò rỉ trong xử lý chất thải trong nuôi tôm STC.
Chủ trương lớn của tỉnh về phát triển tôm STC đã được triển khai và nhận được sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương, người nuôi cũng đã có ý thức hơn trong việc đảm bảo các yếu tố về môi trường. Vấn đề cốt lõi là làm sao cho thật bền vững trong tầm kiểm soát của ngành chức năng và chính quyền địa phương; để con tôm STC luôn là đột phá kinh tế của Cà Mau.
THANH KIỀU – Nguồn baoanhdatmui.vn