Trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt - mô hình nông nghiệp đô thị cần tiếp tục nhân rộng tại thành phố cà Mau

       I. Đặt vấn đề
       Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng trọng tâm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp khu vực đô thị đạt chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định, giúp nông dân có cuộc sống ổn định hơn, ngành nông nghiệp thành phố Cà Mau đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tiến tới phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị bền vững. Việc lựa chọn phát triển các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đô thị và đáp ứng nhu cầu thị trường đang được các cấp, các ngành, người dân thành phố Cà Mau quan tâm nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
       Năm 2020, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đã được trồng thử nghiệm với quy mô 1.000m2 tại phường Tân Thành và Phường 9, TP. Cà Mau. Mô hình đã sản xuất thử nghiệm được 03 vụ với năng suất bình quân hơn 03 tấn/vụ/1.000m2. Mô hình đã mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội rất tích cực. Để tiếp tục đánh giá và hoàn thiện quy trình sản xuất, mô hình này cần được tiếp tục sản xuất thử nghiệm nhân rộng trên những đối tượng giống dưa lưới khác nhau để có cơ sở vững chắc và từng bước khuyến cáo nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh. Từ cơ sở đó, Thành phố Cà Mau đã chủ động xây dựng và thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt taị xã Tân Thành và Lý Văn Lâm - TP. Cà Mau” với quy mô 1.780m2. Dự án thực hiện đạt được một số kết quả khả quan, tích cực, góp phần phát triển loại hình nông nghiệp độ thị ứng dụng công nghệ tiến bộ trên địa bàn Thành phố Cà Mau.
       II. Phương pháp thực hiện
       2.1. Địa điểm và thời gian thực hiện mô hình 
       2.1.1. Địa điểm thực hiện mô hình
       Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được triển khai tại hộ ông Hồ Quốc Trạng, ấp 6, xã Tân Thành với quy mô 500m2 nhà màng và hộ ông Huỳnh Cẩm Thống tại ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm với quy mô 1.280m2 nhà màng.
       2.1.2. Thời gian, quy mô thực hiện mô hình
       Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được bố trí 02 vụ trồng với quy mô số lượng và thời gian như sau:

Bảng 1. Quy mô và thời gian thực hiện các vụ trồng dưa lưới

       2.2. Biện pháp kỹ thuật thi công lắp đặt nhà màng và vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt
       2.2.1. Xây dựng nhà màng
       Đối với địa điểm thực hiện mô hình tại xã Tân Thành và Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, Dự án đã xem xét lựa chọn thiết kế, thi công nhà màng trồng dưa lưới diện tích theo kiểu mái vòm với vật liệu khung thép tiền chế, màng bao che là màng PE chuyên dùng; có lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp nước; hệ thống quạt thông gió điều chỉnh nhiệt độ bên trong nhà màng khi cần thiết; hệ thống cáp treo dây dưa lưới và các hạng mục phụ trợ khác.
       2.2.2. Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt
       Nguồn nước được sử dụng tưới cho dưa lưới là mưa được trữ lại. Nguồn nước được ống chính (main line) dẫn đến toàn khu vườn. Hệ thống tưới nhỏ giọt được thiết kế thi công gồm: Máy bơm nước; Bồn chứa nước, chứa dinh dưỡng; Bộ châm phân; Timer hẹn giờ; Đồng hồ áp; Van điện từ; Bộ lọc đĩa; Ống dẫn nước (ống chính PVC đường kính 48mm, ống nhánh đường kính 20mm); Bộ tưới nhỏ giọt có bù áp loại 4 lít/h (que cắm nhỏ giọt, ống tưới nhỏ giọt 0,6mm, chia 02 ruvilis); Các phụ kiện khác: co nối, nắp bít, T, keo dán, khởi thủy, ron cao su...
       2.3. Quy trình và kỹ thuật trồng Dưa lưới
       Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới thực hiện dự án được vận dụng  và điều chỉnh từ “Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật tại Quyết định số 512/QĐ-TT-CLT năm 2014 [4]. Đồng thời kỹ thuật trồng trong mô hình này cũng được áp dụng từ quy trình thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng trên địa bàn tỉnh Cà Mau” [5].                        
       2.5. Phương pháp xử lý thống kê kết quả
       Số liệu phân tích, thống kê về các chỉ tiêu sinh trưởng, tỷ lệ sâu bệnh hại, chỉ tiêu về năng suât được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel.
       III. Kết quả và thảo luận
       3.1. Kết quả thiết kế, xây dựng nhà màng và hệ thống tưới
       Mô hình triển khai thi công lắp đặt 02 nhà màng với tổng diện tích là 1.780m2, hệ thống nhà màng trồng dưa lưới hoàn chỉnh đạt các thông số kỹ thuật như sau:
       - Nhà màng được xây dựng bởi các kết cấu khung và được bao quanh bằng lưới, nhằm kiểm soát yếu tố môi trường, sâu bệnh hại và đảm bảo thực hiện thuận lợi các hoạt động ươm, trồng và chăm sóc cây. Nhà mái vòm kín, khẩu độ 4,3m. Cột trụ thép ống D60 dày 1,4 mm, trụ cột được đúc bê tông chắc chắn, thanh giằng sử dụng thép chịu lực cường độ cao. Chiều cao tính từ đỉnh nóc là 5m. Kết cấu nhà trồng và hệ thống cáp treo có thể chịu được tải trọng của cây trồng. Kết cấu nhà trồng cây có thể chống chịu được mưa, gió, bão tối thiểu cấp 8. Độ dày của màng là 150 mesh tương đương 0.104 mm đạt chất lượng cao hơn so với độ dày quy chuẩn là 0,08 mm, độ thấu quang tối thiểu đạt 85%.
       - Màng PE phủ vòm đón gió, 150 micron khổ 3,2m. Màng PE phủ mái lớn, 150 micron khổ 8m. Lưới chắn côn trùng vách 250 lỗ/cm2. Cửa trượt, khung thép, phủ màng PE. Lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp nước và hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn chỉnh.

Hình 1. Nhà màng tại xã Tân Thành (A) và xã Lý Văn Lâm (B) TP. Cà Mau 

       Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt đảm bảo các thông số kỹ thuật như sau:
      - Máy bơm nước biến tầng, 02 cái; có lắp thêm rơle tự đóng mở để tự động bơm nước vào bồn. Hệ thống trạm bơm được bố trí gần nguồn nước và đủ không gian để bố trí bộ điều khiển trung tâm.
       - Hệ thống lọc làm nhiệm vụ loại bỏ những cặn bã, tạo lưu lượng nước ổn định. Tạo nước tương đối chất lượng trước khi cung cấp cho cây trồng. Vì thế việc vệ sinh lõi lọc cần được tiến hành thường xuyên trong quá trình tưới.

Hình 2. Hệ thống tưới nhỏ giọt bố trí theo luống trồng dưa lưới

       - Đồng hồ đo áp lực nước 10 bar. Đồng hồ đo áp lực nước có nhiệm vụ kiểm tra sự hoạt động của máy bơm, độ sạch của lõi lọc và sự rò rỉ nước trong đường ống. Bộ timer điều chỉnh chế độ tưới chính xác đến giây, bộ hút phân Venturimetro 1".
       - Hệ thống đường ống chính/đường ống nhánh. Ống chính là ống Ống nhựa PVC cứng đường kính 48mm để chịu được áp suất thiết kế trong hệ thống. Ống nhánh là các ống LDPE có gắn các van khởi thủy. Các phụ kiện lắp ráp hệ thống ống gồm các co, khúc nối thẳng, khúc nối chữ T, khúc nối giảm đường kính ống, ống van cánh bướm và keo để dán các khúc nối. Ống dẫn tưới LDPE 20mm, dày 1,2mm, áp lực 4 bar. Bộ đầu nhỏ giọt 4L/h, cổng chia 2 dây dài 5cm.
       Kết quả thực hiện cho thấy, sau khi thi công lắp đặt hoàn chỉnh, hệ thống nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt tại các điểm trồng dưa lưới đều đảm bảo các yêu cầu của hoạt động ươm, trồng và chăm sóc cây dưa lưới.
       3.2. Kết qủa về sinh trưởng và phát triển dưa lưới
       Giai đoạn ươm cây con
       Kết quả theo dõi một số chỉ tiêu về tăng trưởng của dưa lưới giai đoạn ươm cây con được trình bày tại Bảng 2.

Bảng 2. Theo dõi chỉ tiêu tăng trưởng của cây con

       Kết quả ghi nhận tại Bảng 2 cho thấy, cây con ươm bình quân 9 -10 ngày sẽ đạt các chỉ tiêu về tiêu chuẩn cây con để đưa vào gieo trồng. Tình trạng cây con lúc gieo trồng vào túi bầu khoẻ mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có các biểu hiện nhiễm sâu bệnh. Kết quả này phù hợp với yêu cầu về thời gian gieo ươm hạt giống dưa lưới trước khi trồng theo quy trình được khuyến cáo trước đó [4, 5, 6]. 
       Từ kết quả ươm cây con như trên cũng cho thấy, tỷ lệ hao hụt (hạt không nảy mầm hoặc phát triển chậm) bình quân khoảng 10%. Cho nên, trong thực tế sản xuất quá trình ươm hạt giống nên bố trí ươm bổ sung thêm khoảng 10% số hạt được ươm, để bù đắp cho những hạt không nảy mầm, hoặc cây con phát triển không đạt chỉ tiêu tăng trưởng trước khi gieo trồng.
       Giai đoạn sau khi trồng  
       Theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của dưa lưới giai đoạn 30 ngày sau khi trồng (NST), kết quả ghi nhận một số chỉ tiêu được tính bình quân như Bảng 3 dưới đây.

Bảng 3.  Theo dõi chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của dưa lưới

       Từ kết quả tại Bảng 3 cho thấy, dưa lưới thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện bố trí trồng thử nghiệm tại tỉnh Cà Mau. Chỉ số trung bình về chiều cao cây, số lá/cây luôn tăng trưởng ổn định. Đối chiếu với tài liệu quy trình trồng dưa lưới được công bố [1, 2, 3] thì dưa lưới dự án trồng tại Cà Mau cho thấy có sự tương đồng về tốc độ sinh trưởng và phát triển.
       Quan sát từ kết quả mô hình, hai giống dưa lưới có sự tương đồng về tốc độ sinh trưởng, mặc dù giống dưa Inthanol có một chút cao hơn về chiều cao cây và số lá trên cây sau 30 ngày quan sát. Đồng thời, thời gian thụ phấn của 02 giống dưa cũng tương đối gần nhau, cụ thể giống Inthanol bắt đầu thụ phấn từ 22 NST trong khi đó giống Fujisawa bắt đầu thụ phấn từ 24 NST. Do việc tuyển chọn bông cái thụ phấn từ tầng lá thứ 10 đến 15 nên quá trình thụ phấn thường kéo dài từ 22 - 30 NST tuỳ theo quá trình phát triển của cây. Thời gian thu hoạch của 02 giống này cũng khá tương đồng, từ 60 đến 65 NST tuỳ theo độ nứt cuống của quả.
       Tỷ lệ sâu, bệnh hại cây trồng
       Kết quả theo dõi về tình hình sâu, bệnh gây hại trên dưa lưới được thống kê tại Bảng 4

Bảng 4:  Tỷ lệ bệnh hại trên cây trồng

       Kết quả theo dõi tại Bảng 4 cho thấy, trong suốt quá trình trồng thử nghiệm, không phát hiện nhiều sâu hại trên dưa lưới. Kết quả này cho thấy, nhà màng có vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn sâu hại trên cây dưa lưới. Tuy nhiên, do yếu tố mùa vụ, dưa lưới gặp một số bệnh hại như giả sương mai, lỡ cổ rễ (Hình 3 & 4). Cả 02 giống đều gặp hiện trạng bệnh nêu trong Bảng 4, nguyên nhân chính được xác định do yếu tố thời tiết cụ thể như sau:
       + Vụ trồng thứ 01 tại xã Tân Thành cho tỷ lệ nấm bệnh cao, đặc biệt là bệnh lỡ cổ rễ. Nguyên nhân chính được xác định là do độ ẩm nhà màng tăng cao đột ngột. Khi trời mưa nền đất trong nhà màng bị thấm ướt toàn bộ mặc dù nhà màng đã có cao su che mưa. Lý do được giải thích là do nền đất trong nhà màng là đất mới bị nhiễm phèn và thấm ướt khi trời mưa. Sau đó, khi gặp trời nắng nóng độ ẩm trong nhà màng tăng cao do hiện tượng bốc hơi nước từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan nhanh. 
       + Ở vụ trồng thứ 01 tại xã Lý Văn Lâm và vụ trồng thứ 02 tại xã Tân Thành được bố trí từ tháng 10/2022 đến tháng 01/2023. Đây là khoảng thời gian cường độ và thời gian chiếu sáng trong ngày ít, độ ẩm không khí cao (> 80%), là điều kiện lý tưởng để nấm bệnh phát triển. Do đó tỷ lệ nấm bệnh hại cây trồng cao hơn các vụ khác trong cùng mô hình.
       + Mặt khác, vụ thứ 02 tại xã Lý Văn Lâm được ghi nhận là có tỷ lệ bệnh hại thấp nhất do thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp. 
       Kết quả này tương đồng với kết quả báo cáo của mô hình trồng dưa lưới tại Trà Vinh khi trồng từ tháng 10/2021 - 01/2022 có tỷ lệ nhiễm nấm bệnh cao hơn vụ trồng từ tháng 12/2020 - 03/2021 [7]. Đồng thời kết quả cũng tương đồng với kết quả mô hình thử nghiệm trước đó tại Cà Mau cho thấy nguyên nhân dưa lưới bị nấm bệnh nhiều được xác định là do yếu tố mùa vụ tại thời điểm trồng trong khoảng tháng 10 - 12 âm lịch [5]. Các loại nấm bệnh thường xuất hiện tập trung ở giai đoạn 35 - 60 NST khi cây nuôi quả, đây là thời điểm mật độ cây sinh trưởng trong vườn đạt ngưỡng cao nhất về hình thái. 

       3.3. Kết quả về năng suất, chất lượng dưa lưới
       a) Đánh giá về năng suất
       Thống kê kết quả về năng suất thu hoạch sản phẩm dưa lưới trồng thử nghiệm được tổng hợp tại Bảng 5.

Bảng 5. Tổng hợp năng suất thu hoạch dưa lưới

       Qua quá trình theo dõi 02 vụ trồng thử nghiệm dưa lưới cho thấy, tổng sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 10.069 kg; năng suất bình quân đạt 5.030 kg/1.780m2/vụ; trọng lượng quả bình quân đạt 1,57 kg/quả; tỷ lệ quả loại 1 đạt bình quân 88,5%; tỷ lệ hao hụt (do không đậu quả, bệnh hại,…) là 10,25 % (Bảng 5 & Hình 5). 

Hình 5. Dưa Fujisawa RZ (trái) và dưa Inthanon RZ (phải) 60 ngày sau khi trồng

       Đối chiếu, so sánh với một số mô hình trồng dưa lưới tại các tỉnh khác thì mô hình trồng thử nghiệm dưa lưới tại thành phố Cà Mau cho kết quả năng suất có sự tương đồng cao. Cụ thể như mô hình tại An Giang thuộc dự án “Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki tại thành phố Long xuyên, An Giang” của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Long Xuyên thực hiện năm 2018 với kết quả năng suất trung bình là 3.550kg/1.000m2/vụ với số lượng 2.500 cây, trọng lượng quả  trung bình là 1,47kg [8]. Tương tự tại Cà Mau, mô hình trồng dưa lưới tại Cà Mau thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên địa bàn tỉnh Cà Mau” năm 2022 cho năng suất 3.362kg/1.000m2/vụ với số lượng 2.600 cây, trọng lượng quả trung bình là 1,42kg  [5]
       Trong các vụ trồng, vụ thứ 01 tại xã Lý Văn Lâm và vụ trồng thứ 02 tại xã Tân Thành được bố trí từ tháng 10/2022 đến tháng 01/2023 chịu ảnh hưởng về mặt thời tiết đặc biệt là do độ ẩm không khí cao và cường độ chiếu sáng trong ngày ít. Cây sẽ không được quang hợp tốt nhất vào khoảng thời gian trồng này từ đó ảnh hưởng đến trọng lượng trái, sản lượng và năng suất cây trồng; đồng thời cây cũng dễ bị bệnh hại như đã mô tả ở trên. Kết quả này tương tự với kết quả mô hình trồng dưa lưới trước đó tại Cà Mau [5] cho thấy, vụ trồng từ tháng 12/2020 - 2/2021 cho năng suất dưa lưới thấp hơn các vụ trồng từ 5/2021 – 7/2021 và vụ từ 3/2022 – 6/2022. Từ những kết quả này cho thấy việc trồng dưa trong nhà màng vào giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch tại Cà Mau cần có những giải pháp cải tiến quy trình trồng để đạt được năng suất tốt nhất.
       b) Đánh giá về chất lượng
       Sản phẩm dưa lưới trồng thử nghiệm được lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu về độ Brix (độ ngọt) và được phân tích một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm gồm: vi sinh vật, kim loại nặng.

Bảng 7: Kết quả phân tích sản phẩm Dưa lưới của mô hình

       Độ brix của thịt quả là các tính trạng chính quyết định đến chất lượng của dưa lưới. Cả 2 giống dưa lưới đều cho có độ Brix cao đến thời điểm thu hoạch (>13). Độ Brix sẽ dần tăng dần do sự mất nước và quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ của dưa lưới diễn ra mạnh hơn theo quá trình bảo quản [9].
       Bên cạnh đó, 02 cơ sở sản xuất dưa lưới trong mô hình thử nghiệm của dự án cũng được Chi cục Trồng trọt và BVTV Cà Mau cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ NN&PTNT (Giấy chứng nhận số 02/2022/NNPTNT-CM ngày 14/10/2022 và 01/2023/NNPTNT-CM ngày 17/04/2023 của Chi cục Trồng trọt và BVTV Cà Mau).
       Sản phẩm dưa lưới tại 02 cơ sở trồng trong mô hình được chủ cơ sở thiết kế logo riêng và có tem truy xuất nguồn gốc để tạo thương hiệu và khẳng định giá trị sản phẩm dưa lưới của cơ sở, từ đó giúp quảng bá sản phẩm và tăng khả năng thị trường của sản phẩm (Hình 6)

Hình 6: Tem truy xuất nguồn gốc được dán trên sản phẩm dưa lưới tại cơ sở trồng ở xã Tân Thành (trái) và xã Lý Văn lâm (phải)

       3.5. Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình
       Qua tổng kết 02 vụ trồng dưa lưới thử nghiệm cho thấy, chất lượng sản phẩm dưa lưới thơm, ngon, đạt tiêu chuẩn thực phẩm an toàn nên được tiêu thụ thông qua nhiều hình thức như: bán lẽ cho người dân, bán cho các cơ quan, đơn vị làm quà tặng các dịp Lễ Tết, bán cho khách đến tham quan vườn dưa lưới, với giá bán sản phẩm dưa lưới dao động 50.000 - 55.000 đồng/kg, qua đó doanh thu cụ thể từng vụ trồng được ghi nhận tại Bảng 8.

Bảng 8. Thống kê doanh thu của mô hình trồng dưa lưới thử nghiệm 

       Từ kết quả doanh thu mỗi vụ đạt khoảng 225 triệu đồng/vụ và chi phí sản xuất (khoảng 160 triệu đồng/vụ) cho thấy, trồng dưa lưới thử nghiệm với quy mô 1.780m2 nhà màng, trồng 3.560 cây dưa lưới, thời gian trồng khoảng 03 tháng/vụ mang lại lợi nhuận khoảng 63,8 triệu đồng/vụ tại mô hình này. Lợi nhuận của mô hình này có thể cao hơn 191 triệu/năm khi thực hiện được 03 vụ/năm.
       IV. Kết luận và kiến nghị
       4.1 Kết luận
       Qua kết quả thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt bước đầu có thể kết luận như sau:
       - Phương pháp bố trí, tổ chức sản xuất: nhà màng, hệ thống tưới, giá thể, dinh dưỡng; quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa lưới đã thực hiện là phù hợp để trồng giống dưa lưới Inthanon RZ và Fujisawa RZ tại Cà Mau. 
       - Năng suất dưa lưới bình quân đạt 5,03 tấn/1.780m2/vụ; tổng sản lượng dưa lưới dự án đạt 10,069 tấn (đạt 111,7% so với mục tiêu dự án); sản phẩm loại 1 đạt 88,5% (đạt 110,6% so với mục tiêu dự án); trọng lượng quả dưa lưới trung bình đạt 1,57kg (đạt 112,14% so với mục tiêu dự án); độ brix ≥13 (đạt 100% so với mục tiêu dự án).
       - Cả 02 cơ sở trồng dưa lưới thực hiện dự án đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV Cà Mau cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đạt 100% mục tiêu dự án).
       - Dự án đã tổ chức tập huấn cho 50 học viên về kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo hướng an toàn.
       - Dự án cũng đã điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Cà Mau.
       4.2. Kiến nghị
       Mùa vụ trồng dưa lưới trong nhà màng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch dễ gặp bệnh hại do điều kiện thời tiết tại Cà Mau. Cần nghiên cứu thêm các biện pháp về phòng trừ bệnh hại, hoặc trồng luân canh các cây trồng khác trong khoảng thời gian này để hạn chế nấm bệnh gây hại. 
       Cây dưa lưới Inthanon RZ và Fujisawa RZ thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện bố trí trồng thử nghiệm tại Cà Mau. Mô hình cần được tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiều vụ (03 vụ/năm) để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời thực hiện trên nhiều giống dưa lưới khác nhau để góp phần hoàn thiện quy trình trồng dưa lưới trong nhà màng và đa dạng hóa sản phẩm dưa lưới phục vụ theo thị hiếu của người tiêu dùng.
       Sau khi hoàn thành dự án, mô hình cần được các cấp, ngành quan tâm triển khai nhân rộng để hỗ trợ người dân trong việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
       Khi nhân rộng mô hình cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, liên kết chuỗi giá trị nông sản, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hợp đồng giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để mô hình sản xuất được ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa bằng nhiều hình thức tiêu thụ sản phẩm như: vào hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán online, bán lẽ kết hợp với tham quan du lịch để nâng cao giá trị và lợi nhuận của mô hình

Huỳnh Thị Bích Thuý, Nguyễn Việt Hoàng, Lê Thị Cẩm Tú