Trồng và chế biến nấm linh chi đỏ (ganoderma lucidum).

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Nấm Linh Chi được dân gian xem như thần dược có thể chữa được nhiều bệnh nên giá trị Linh Chi mang lại có thể nói là rất lớn. Thành phần hóa học trong Nấm Linh Chi rất phong phú và có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Polysaccharides có khả năng hỗ trợ miễn dịch cơ thể, giải độc cơ thể, tăng tổng hợp ADN, ARN. Trong nấm Linh chi còn có các hoạt chất khác như Acid ganodenic cũng có tác dụng giảm đau, giải độc gan, ức chế tế bào ác tính của cơ thể. Adenosin là hoạt chất có tác dụng an thần, hạ cholesterol trong huyết thanh, ức chế kết tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn cơ thể. Lactone A có tác dụng giảm cholesterol máu. Acid oleic có tính kháng histamin chống dị ứng. Cellolose giúp hạ cholesterol, phòng ngừa xơ vữa động mạch, tác dụng nhuận tràng, ổn định đường huyết. Các acid amin giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra trong nấm Linh chi cũng giàu các nguyên tố vi lượng như Phospho, Kali, Nhôm, Vàng, Canxi, Clo, Đồng, Sắt, Kẽm…

       Gần đây, loài Linh Chi Đỏ (Ganoderma lucidum) mới được nuôi trồng thành công, sản lượng hàng năm đạt khoảng 10 tấn đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nghề nấm về chọn tạo giống nấm, về kỹ thuật nuôi trồng mà nghề trồng nấm đã và đang phát triển mạnh mẽ, được coi là nghề xóa đói giảm nghèo và làm giàu thích hợp ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, nghề trồng nấm ở Việt Nam đang phát triển nhưng với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, đặc biệt nghề trồng Nấm Linh Chi tại tỉnh Cà Mau với những điều kiện tự nhiên riêng thì chưa được nghiên cứu và phát triển.

                                        Hình 1: Nấm Linh Chi Đỏ (sản phẩm của dự án)

       Chính vì thế, chúng tôi quyết định thực hiện dự án “Trồng và chế biến nấm Linh Chi Đỏ (Ganoderma lucidum) nhằm nghiên cứu, xây dựng quy trình trồng nấm Linh Chi Đỏ, công nghệ sau thu hoạch như phơi, sấy và chế biến một số sản phẩm như Rượu Linh Chi Đỏ, Trà Linh Chi Đỏ Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ kết quả khả quan của dự án, chúng tôi đề xuất mở rộng quy mô nuôi trồng nấm Linh Chi Đỏ và chuyển giao công nghệ cho nông dân.

       II. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

       * Quy trình trồng nấm Linh Chi Đỏ phù hợp điều kiện ở Cà Mau (Được tập huấn chuyển giao bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương)

       - Chuẩn bị nguyên liệu

       Nguyên liệu chủ yếu là mùn cưa của những loại gỗ mềm không có tinh dầu và không nhiễm nấm mốc.

       Các chất phụ gia như cám gạo, bột ngô, phân trùng quế, NPK (có thể thay thế bằng phân hữu cơ), MgSO4, vôi (hoặc CaCO3), nguồn nước sạch.

       Ngoài ra cần chuẩn bị thêm các vật dụng như bịch nylon chịu nhiệt, bông nút, cổ nút đảm bảo an toàn vô trùng.

       + Ủ chính thức: Dùng nước vôi với pH = 12 (3,5kg vôi/m3)

       - Thời gian ủ: đối với mùn cưa cao su, bồ đề thời gian tối đa 7 ngày

       + Tạo ẩm bằng nước vôi với pH = 12-13 (lượng vôi bổ sung từ 5-7kg/ 1 tấn nguyên liệu.), hoặc bằng nước sạch, độ ẩm đạt 60-65%

       + Lấy mùn cưa ª đóng bịch, nén chặt ª mỗi bịch (1,1-1,4kg)

       - Môi trường nuôi trồng

       Môi trường nuôi trồng sử dụng cơ chất bằng mùn cưa cây cao su đã được bổ sung phụ gia, tạo độ ẩm và thanh trùng (được cung cấp từ Trung tâm thực nghiệm, trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương).

       - Giống nấm Linh Chi Đỏ

       + Cần lưu ý khi sử dụng nấm: giống đúng tuổi (không già hoặc non): không thấy có mô sẹo hay có cây nấm mọc trong chai giống. Giống đã ăn hết đáy.

       + Không nhiễm nấm mốc, vi khuẩn, nấm dại: quan sát bên ngoài thấy giống có màu trắng đồng nhất, sợi nấm mọc đều từ trên xuống dưới, không có màu xanh, màu đen, màu vàng,…

       + Chất lượng giống là một yếu tố quyết định sự thành bại trong sản xuất nấm. Nếu giống tốt năng suất nấm sẽ cao và ngược lại. Phân biệt các đặc điểm giữa tốt và giống xấu như sau:

       * Giống tốt: tơ dầy và trắng đều trên các loại cơ chất ở mỗi giai đoạn (thạch, giá nuôi, cọng, lúa hoặc cây sắn). Tơ được giữ ở môi trường thông thoáng trong suốt thời gian tăng trưởng. Tơ còn trắng môi trường chưa khô.

       * Giống xấu: bị nhiễm tạp, nguyên nhày nhớt, màu đục sữa (bị nhiễm vi khuẩn), màu sắc đen, xanh, cam, vàng (nhiễm nấm mốc), tơ thưa hoặc rối bông. Tơ nhạt màu thành từng mảng trên bịch meo. Tơ để nơi nắng chiếu, chảy nước vàng.

       - Thanh trùng bịch phôi

       + Phương pháp 1: hấp cách thủy ở nhiệt độ 100oC, thời gian từ 8-10 giờ.

       + Phương pháp 2: thanh trùng bằng nồi áp suất ở nhiệt độ 120-122oC, áp suất đạt 1 at trong thời gian 90-120 phút. Sau đó để nguội, nhiệt độ hạ xuống còn 70-80oC thì tiến hành cấy giống.

       - Cấy giống

       + Bịch phôi hấp xong cho vào phòng cấy.

       + Bật đèn UV trong 30 phút, sau đó bật quạt hút 30 phút rồi cấy giống.

       + Trước khi cấy cần kiểm tra giống đúng chủng loại, không nhiễm bệnh, đúng tuổi.

       + Sau đó lau sạch bằng cồn.

       + Lượng giống cấy vào bịch phôi:1 que phôi (cây khoai mì)

       Trong quá trình cấy giống, bịch phôi luôn được để nằm ngang, cấy xong đậy nút bông, vận chuyển bịch vào khu vực ươm.

       - Nuôi sợi

       + Bịch phôi sau khi cấy được chuyển ngay vào phòng ươm sợi. Nhà ươm sợ nấm Linh Chi Đỏ phải sạch, khô, thông thoáng, ánh sáng yếu, nhiệt độ 20-30oC.

       + Cách ươm: bịch phôi được đặt trên kệ, mỗi tầng từ 3-4 lớp bịch phôi.

       + Trong quá trình ươm, hạn chế tối đa va đập và không được tưới nước trực tiếp vào bịch phôi.

       + Khi ươm bịch phôi từ 2-3 ngày, bắt đầu chọn loại bỏ phôi nhiễm.

       + Sau khi sợ nấm ăn khoảng 2/3 bịch thì bắt đầu thay nút bông và tiếp tục để trong khu vực ươm cho đến khi sợi nấm ăn kín hết bịch và bắt đầu ra quả thể thì chuyển đến khu vực nôi trồng.

       - Chăm sóc, thu hái

       + Khu vực nuôi trồng nấm Linh Chi Đỏ trong nhà phải sạch, và thông thoáng, nhưng kín gió, lắp đặt hệ thống phun sương tự động để duy trì độ ẩm cao từ 80-90%, ánh sáng tán xạ, phân bố đều ở mọi vị trí trong khu vự nuôi trồng, nhiệt độ khống chế từ 20-30oC.


Hình 2: Quy trình trồng và chế biến nấm Linh Chi Đỏ

       + Thu hái: khi tai nấm lớn hết cỡ, là khi màu đỏ nâu lan hết viền vàng quanh tai nấm thì bắt đầu thu hái. Trước khi hái nấm ngừng tưới 3-4 ngày. Dùng dao cắt phần chân tai nấm, để quả thể đã cắt ngửa lên trên rổ. Lấy bông nhúng vào vôi đặc lau sạch vết cắt. Sau khi cắt xong băt đầu sấy hoặc phơi để bảo quản nấm.

Hình 3: Thu hái và sấy khô tai nấm Linh Chi Đỏ

       - Chế biến một số sản phẩm từ nấm Linh Chi Đỏ:

       + Linh Chi Đỏ sau khi sấy khô được cắt nhỏ và ngâm với rượu để tạo thành Rượu Linh Chi.

       + Linh Chi Đỏ sấy khô, cắt nhỏ, xay thành bột mịn tạo thành Trà Linh Chi Đỏ.

       III. KẾT LUẬN

       Dự án “Trồng và chế biến nấm Linh Chi Đỏ” đạt được những kết quả sau:

       Xây dựng được quy trình, trồng thử nghiệm 100 bịch phôi nấm Linh Chi Đỏ phù hợp điều kiện tỉnh Cà Mau. Thu được 8,6kg nấm tươi, sau khi sấy khô còn được 2,2kg.

       Áp dụng phương pháp phơi, sấy ở nhiệt độ 45-50oC, độ ẩm 14%, tránh làm mất, biến tính dược chất, bảo quản lâu dài nấm Linh Chi Đỏ.

       Chế biến được hai sản phẩm là Rượu Linh Chi Đỏ, Trà Linh Chi Đỏ. Từ nguồn nguyên liệu Nấm Linh Chi Đỏ có thể nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm có giá trị như cao nấm Linh Chi, Bào tử nấm Linh Chi, mặt nạ dưỡng da Linh Chi, hoặc thực phẩm chức năng chứa hoạt chất từ nấm Linh Chi…

       Với kết quả khả quan như vậy, đề xuất mở rộng quy mô, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng nấm Linh Chi Đỏ cho nông dân Cà Mau góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Tác giả: Mai Tấn Dương, Phan Minh Thông, Nguyễn Văn Quý - Trường THPT Phan Ngọc Hiển