Thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Hiện nay, phụ nữ trong tỉnh chiếm trên 50% lao động xã hội và khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một trong những giải pháp giúp phụ nữ tự tạo việc làm bền vững, làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội.
Sau khi đề án được triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn phụ nữ cách xây dựng ý tưởng, dự án kinh doanh và tìm kiếm nhà đầu tư; Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi; Hỗ trợ pháp lý xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho những dự án mới sáng tạo; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác… Tiêu biểu mô hình khởi nghiệp từ làm chả cá phi của chị Nguyễn Thị Dung, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Thị Tường B, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước.
Mô hình làm chả cá phi không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình chị Nguyễn Thị Dung mà còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. |
Năm 2018, mô hình làm chả cá phi của chị Nguyễn Thị Dung bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, nhờ sự cần cù, ham học hỏi, sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của Hội phụ nữ xã, mô hình làm chả cá phi của chị Dung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Chị Dung chia sẻ, sau khi tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế gia đình, tôi thấy mô hình làm chả cá phi rất phù hợp. Nguồn cá phi dồi dào nên không lo thiếu nguyên liệu. Chả cá phi có thể chế biến rất nhiều món ăn phục vụ từ bữa cơm đơn giản trong gia đình đến những món ngon trên bàn tiệc. Do đó, thị trường tiêu thụ sẽ rất rộng, từ địa phương đến trong và ngoài tỉnh. Chị Dung cho biết, trước đây tôi chỉ làm chả thuê cho người khác với thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng. Thông qua tổ chức Hội phụ nữ, tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển năng lực kinh doanh, quảng bá sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Được vay vốn tiết kiệm tín dụng của tổ phụ nữ 7 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích luỹ của gia đình, chị Dung đầu tư máy móc, thiết bị làm chả cá phi.
Mô hình làm chả cá phi của chị Dung là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình gia đình chị cung cấp ra thị trường từ 50-100 kg chả/ngày, với giá 65 ngàn đồng/kg. Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị Dung còn lãi trên 20 triệu đồng/tháng. Chị Dung chia sẻ, ngoài thịt cá làm chả, phần còn lại chị tận dụng nuôi cua, cá và bán cho bà con xung quanh nuôi cá sấu. Quy trình khép kín này vừa góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa tăng thêm thu nhập.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ, để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; Thúc đẩy hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp. Đặc biệt, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ. Đặc biệt, mỗi chị em phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn để có thể tự mình thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, ngoài vai trò cầu nối, đồng hành của Hội LHPN, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan. Trong đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ, gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ; Hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp… Cùng với đó, bản thân mỗi hội viên phụ nữ cần sẵn sàng dấn thân, tích cực học hỏi, thật sự đam mê, tự tin vào bản thân, không ngại khó, ngại khổ… Đây sẽ là chìa khoá để khởi nghiệp thành công./.
Tiêu Tiên - baocamau.com.vn