I. Quá trình phát triển các cuộc cách mạng công nghiệp
1.1. Khái niệm chung về 4 cuộc cách mạng công nghệp
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra tại châu Âu và Mỹ vào thế kỷ 18 đến 19, đánh dấu bằng việc ra đời động cơ hơi nước ứng dụng trong giao thông và những hệ thống tự động thô sơ trong công nghiệp. Công nghiệp dệt và sắt thép tham gia vào quá trình công nghiệp hóa nông thôn, công nghiệp và xây dựng.
Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ 1870 đến 1914 có thể kể bằng việc đánh dấu ra đời của công nghiệp dầu mỏ và các ứng dụng phát minh về điện và động cơ đốt trong trong xe cộ.
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba chủ yếu từ cuối thập niên 1970 dựa trên nền tảng của kỹ thuật số ứng dụng trong các thiết bị cơ điện tử và tự động hóa. Có thể đánh dấu bằng việc ra đời các máy tính cá nhân, mạng Internet, các mạng xã hội online và nhiều ứng dụng tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng phát triển từ nền tảng của công nghiệp lần thứ ba với nội dung liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các điều khiển mềm thông qua các máy tính và mạng máy tính để liên kết hầu hết các lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, như kinh tế, ngân hàng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông, giáo dục, giải trí, thiết bị gia dụng, công nghệ thông tin truyền thông, v.v... Cuộc cách mạng lần thứ tư đang gây chú ý với những ứng dụng đã và đang hình thành mang tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano.
Bốn cuộc cách mạng công nghệ (CMCN), được thể hiện như sau:
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Theo khái niệm của mạng lưới Chuyên đề Canh tác Thông minh Châu Âu: canh tác nông nghiệp thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot), tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn, đó là:
Hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của trang trại.
Nông nghiệp chính xác, thông qua các hệ thống có thể quản lý độ biến động theo không gian và thời gian để cải thiện hiệu quả đầu tư và giảm thiểu tác hại của môi trường.
Việt Nam đang tiến hành cuộc cách mạng 2.0, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội và cuộc cách mạng 3.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin, tự động hóa, mạng Internet rộng khắp cả nước, đồng thời chủ động thực hiện tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng cơ hội mới để xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới.
1.2. Theo khái niệm của Hiệp hội Máy Nông nghiệp Châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017) về 4 cuộc CMNC trong nông nghiệp như sau:
i) Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nền nông nghiệp đó có khả năng nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ và một phần ba dân số tham gia vào quá trình sản xuất nguyên liệu thô.
ii) Nông nghiệp 2.0, đó là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, khởi đầu là giống lúa mì lùn cải tiến, nhưng phải dựa nhiều vào bón thêm đạm, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tổng hợp, cùng với máy móc chuyên dùng, cho phép hạ giá thành và tăng năng suất, đem lại lợi nhuận cho tất các các bên tham gia.
iii) Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. Bắt đầu khi định vị toàn cầu (GPS) được ứng dụng đầu tiên để định vị và định hướng. Thứ hai là điều khiển tự động và cảm biến (sensor) đối với nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, dinh dưỡng, từ những năm 1990, máy gặt đập liên hợp được gắn thêm màn hình hiển thị năng suất dựa vào định vị GPS. Thứ ba là tiến bộ công nghệ sử dụng các thiết bị không dây (Telematics).
iv) Nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức. Tương tự với “Công nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp). Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị. Một số thuật ngữ khác thường được sử dụng như “Nông nghiệp thông minh” và “Canh tác số hóa”, dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp.
Các thiết bị thông minh bao gồm các cảm biến, các bộ điều tiết tự động, công nghệ có thể tính toán như bộ não và giao tiếp kỹ thuật số. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự tiến hóa tiếp theo, bao gồm những hoạt động không cần có mặt con người trực tiếp và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động.
II. Một số kết quả của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trên thế giới
Quản lý bằng dữ liệu mềm và kinh tế chia sẻ nhờ vào công nghệ thông tin, điện tử viễn thông: tiêu biểu như các hãng Uber, Grab không có xe nhưng họ điều hành hiệu quả số lượng lớn các chủ xe tham gia hệ thống; Các hệ thống phân phối và chia sẻ hàng hóa online qua Internet tốc độ cao…
2.1. Trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligent): IBM Watson tư vấn pháp lý online nhanh chóng, khách quan qua mạng có thể làm giảm vai trò luật sư; có thể chẩn đoán ung thư chính xác 90% trong khi con người chẩn đoán chính xác 70%. Các smartphone sẽ phát huy mạnh nhờ vào ứng dụng AI cho việc nhận dạng mặt người, dấu vân tay, mống mắt đảm bảo quản lý tốt đối tượng.
2.2. Xe tự lái (Autonomous Vehicles): dự kiến 2018 sẽ ra thị trường, với các ứng dụng AI có thể gọi xe đến và đi đến đích, trả tiền chính xác, một người có thể không cần bằng lái xe, xe riêng do vậy có thể hiệu quả trong mật độ giao thông. Cuộc cách mạng về xe với AI có lượng tiêu thụ năng lượng tối ưu, máy tính hóa thông minh tránh va chạm nhờ vào các cảm biến và AI điều khiển xe. Đặc biệt là loại xe điện sẽ không ồn ào ô nhiễm và độ an toàn cao hơn rất nhiều nhờ vào việc điều khiển thông minh và chính xác. Có thể các hãng bảo hiểm sẽ phải giảm bớt nhân viên và hạ giá.
2.3. Với các thế hệ máy tính điều khiển và công nghệ hiện đại, năng lượng mặt trời (dự kiến tới 2025 sẽ chiếm trên 50%) sẽ dần thay thế các dạng năng lượng hóa thạch. Sử dụng Solar Energy tạo giá thành hạ, môi trường bớt ô nhiễm, thuận lợi hơn cho việc lọc nước biển thành nước ngọt (nhân loại sẽ dần khan hiếm nguồn nước do thiên tai và phát triển dân số) sẽ đáp ứng nhu cầu và tinh khiết hơn.
Trong lĩnh vực y tế cá nhân sẽ có những dụng cụ đeo tay kết hợp với điện thoại có thể theo dõi và chẩn đoán những bệnh tật cơ bản của con người thí dụ huyết áp, cholesteron, lượng đường trong máu, nhịp tim, thân nhiệt… chính xác và cảnh báo đến người sử dụng kể cả việc điều trị kịp thời khi smartphone kết nối với cơ sở dữ liệu của bệnh viện (big data) qua Internet (Internet of Things - IoT). Những bác sĩ gia đình hoặc tư nhân có thể sẽ ít khách hàng hơn vì hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đã thực hiện chính xác và nhanh chóng cho bệnh nhân. Dụng cụ TRICODER đeo tay vô tuyến có thể theo dõi và chẩn đoán 13 loại bệnh giúp ích cho sức khỏe con người một cách thông minh và điều trị kịp thời.
Máy in ba chiều (3D) đã được ứng dụng từ nhiều năm nay và giá thành sẽ hạ thấp dần cộng với độ chính xác cao, nhanh hơn và mô hình tạo mẫu sẽ lớn (có thể xây nhà, chế tạo xe hơi, máy bay, xe lửa…). Các trạm không gian không cần phải chuyển nhiều vật dụng tốn kém, thợ sửa chữa bảo trì có thể không mất nhiều thời gian tìm kiếm vật tư phù hợp vì có thể tạo nhanh mẫu theo ý muốn. Trong y học những bộ phận cơ thể có thể dễ dàng tạo hình. Nhiều thiết kế khác nhau trong mọi lĩnh vực sẽ hết sức phong phú với cấp độ chính xác cao, nhanh chóng nhờ máy in 3D.
Cơ hội kinh doanh sẽ tập trung vào việc quản lý dữ liệu và dự đoán tương lai nhờ vào các hệ thống AI, không cần nhiều nhân lực và phụ thuộc vào hệ thống mạng, cách quản lý.
Robot sẽ được thông minh hóa và cho năng suất cũng như độ chính xác cao trong công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác nhau nhờ vào trí tuệ thông minh AI, từ đó xã hội có thể sẽ mất nhiều việc làm đối với những lao động giản đơn.
Trong giáo dục sẽ thuận lợi trong việc quản lý và việc học tập cho học sinh sinh viên nhờ vào phương tiện, thiết bị hiện đại và phong phú trong truy cập dữ liệu (big data). Sinh viên có thể không cần đến lớp nhiều nhưng vẫn đảm bảo có khối lượng kiến thức lớn nhờ vào việc cấy ghép chip nhớ giao tiếp với tế bào não để tải dữ liệu môn học từ cơ sở dữ liệu của nhà trường, việc vào lớp chỉ là thảo luận, làm bài tập,...
Quản lý bằng thẻ thông minh, RFID (Radio Frequency Identification), camera giám sát khắp nơi, siêu thị không cần nhiều người bán, thu ngân tự động hóa qua thẻ; bảo vệ tại các trung tâm, bệnh viện, trường học…không cần nhiều nhân sự.
Công nghệ nano cho phép chế tạo những vi mạch có tốc độ cao hơn, tích hợp lớn và lượng tiêu thụ điện năng ít hơn; trong y học lâm sàng, nông nghiệp và công nghệ sinh học được công nghệ nano hỗ trợ mạnh mẽ hiệu quả. Những lý thuyết về cơ lượng tử (Quantum Mechanics) sẽ được ứng dụng mạnh mẽ khi kích thước các vi mạch càng rút nhỏ theo qui luật Moore theo thời gian.
Nông nghiệp và kỹ thuật sinh học ứng dụng những hệ thống thông minh và thiết bị công nghệ cao sẽ tạo ra năng suất và kiểm soát tốt nguồn gốc sản phẩm, hàm lượng dinh dưỡng, phù hợp loại cây trồng cho từng vùng. Công nghệ sinh học sẽ cho phép trồng những cây có năng suất cao (cây ăn hết từ lá đến rễ, thí dụ lá ăn, trái thu hoạch, thân mía hoặc ép dinh dưỡng, rễ tạo củ có hàm lượng dinh dưỡng theo việc cấy ghép…), sẽ thỏa mãn nhu cầu cho dân số ngày càng tăng cao với đất canh tác hạn hẹp.
Theo PGS. TS Mai Thành Phụng, việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 làm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nhờ áp dung nông nghiệp 4.0, giá thành sản xuất ngô (bắp) ở Mỹ rất thấp (142 USD/tấn) trong khi giá thành sản xuất ngô ở VN là 329USD/tấn, cao hơn của Mỹ 2,3 lần. Giá thành sản xuất đậu nành ở VN 825USD/tấn cao gấp 2,55USD lần ở Mỹ (323USD/tấn). Sở dĩ ngô ở Mỹ có giá thành rẻ (142USD/tấn) so với VN 329USD/tấn, vì: (i) Ở Mỹ nhiều hoạt động được điều khiển bằng phần mềm trên máy làm đất; (ii) Điều khiển hệ thống cảm biến để gieo hạt, tưới tiêu không phải lao động trực tiếp ngoài đồng ruộng; (iii) hạt giống được xử lý trong phòng thí nghiệm để chống sâu bệnh; (iv) Các cảm biến phần mềm máy tính giúp quyết định phân bón hợp lý nhất, chỉ ở mức vừa đủ để cây tăng trưởng tốt nhất không để lãng phí dư lượng trong dất, bốc hơi hay bị rửa trôi; (v) Máy tính giúp phân tích các mẫu đất và đưa ra lời khuyên về lượng phân bón cần dùng; (vi) Sản xuất ngô chính xác có nghĩa là chính xác về sản phẩm, số lượng, địa điểm và thời điểm thu hoạch tối ưu nhất; (vii) Thiết bị kết nối vệ tinh cùng hệ thống cảm biến cung cấp thông tin được cập nhật từng phút tới chủ nông hộ thông qua hệ thống GPS; (viii) Những thông số này giúp nông dân cài đặt chương trình tự lái cho máy cày, giúp cày bừa và gieo hạt chuẩn xác; (ix) Kết thúc mùa vụ, mọi thông số được lưu giữ lại làm cơ sở cho mùa vụ tới; (x) nông dân sử dụng hệ thống GPS giúp điều khiển công việc gieo hạt chính xác đến từng cm, một máy theo dõi có thể tính được quy mô diện tích canh tác, chỗ nào đã làm đất gieo hạt xong, chỗ nào chưa, một thiết bị kiểm soát nước tưới, tỷ lệ phân bón cần dùng.
III. Một số giải pháp phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh 4.0.
3.1. Tình hình chung về sản xuất nông nghiệp VN và vùng ĐBSCL
Ngày 6/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, đề ra hệ thống giải pháp như phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông; cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cơ chế tài chính thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.
Đến nay, nông nghiệp VN chủ yếu vẫn còn phát triển sản xuất theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động thủ công, do không kiểm soát được nên chi phí vật tư dùng quá cao (mỗi năm dùng 11 triệu tấn phân bón, trên 100 ngàn tấn thuốc BVTV), sử dụng quá nhiều nước, nhiều lao động nên hiệu quả kinh tế rất thấp; Sản xuất theo nông hộ nhỏ, chia cất không theo chuỗi do vậy khó kiểm soát được chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc; Lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao và năng suất lao dộng thấp, lao động qua đào tạo ở nông thôn chỉ đạt 11,2%; Cơ sở hạ tầng còn yếu, hệ thống thủy lợi đến nay chủ yếu cho tưới lúa, chưa thể hỗ trợ tốt cho sản xuất các ngành khác; Doanh nghiệp nông nghiệp rất ít, trong khi muốn phát tiển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 rất cần những doanh nghiệp có năng lực về tài chính, diện tích đất sản xuất đủ lớn, có nguồn nhân lực chất lượng cao và quản lý tốt, sản xuất được sản lượng lớn, dồng đều, chất lượng, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ...
3.2. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Khi phát triển thành công nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, hướng tới phát huy tiềm năng lợi thế của sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại và thích ứng với các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Thực tế đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá tốt. Các mô hình thành công này đa phần là các cơ sở tư nhân hoặc doanh nghiệp như sản xuất giống tại Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, mô hình nuôi bò và chế biến sữa của Công ty TH, Công ty sữa Mộc Châu, các công ty trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt, Mộc Châu...
Một số giải pháp ứng dụng KHCN mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa thích ứng hội nhập kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu:
3.2.1. Trong trồng trọt: Sản xuất giống và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các đối tượng cây trồng chủ lực cho an ninh lương thực, xuất khẩu; Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp, VietGAP, tập trung vào các loại cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực; Sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính; Nhân giống và sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô tập trung; Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các bộ kít chẩn đoán bệnh, các loại phân bón thế hệ mới trong trồng trọt và bảo vệ cây trồng nông nghiệp.
3.2.2. Trong chăn nuôi: Sản xuất giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số loại vật nuôi chủ lực; chăn nuôi gia cầm, gia súc theo quy mô công nghiệp; Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vắc-xin, bộ kít mới trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh.
3.2.3. Trong lâm nghiệp: Nhân nhanh và sản xuất giống quy mô công nghiệp một số giống cây trồng lâm nghiệp mới bằng công nghệ mới;Trồng rừng kinh tế theo phương pháp thâm canh; Ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý, hệ thống định vị toàn cầu trong quản lý và bảo vệ rừng.
3.2.4. Trong thủy sản: Nhân và sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao,; Nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tự động kiểm soát và xử lý môi trường bằng các công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng một số loài thủy sản, như: Cá, tôm; Sản xuất thức ăn, các loại thuốc phòng trị bệnh thủy sản, sản xuất các bộ kít chẩn đoán nhanh bệnh trên các đối tượng nuôi thủy sản; Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để quy hoạch, quản lý và khai thác nguồn lợi hải sản, các vùng nuôi trồng thủy sản.
3.2.5. Trong thủy lợi: Ứng dụng công nghệ tự động hóa, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để quản lý, khai thác và điều hành các công trình thủy lợi; Sản xuất vật liệu mới, thiết bị và thi công các công trình thủy lợi; Xây dựng và mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho một số loại cây trồng nông, lâm nghiệp.
3.2.6. Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến
- Trong cơ điện, tự động hóa: hiện nay ở ĐBSCL tỷ lệ cơ giới hóa (CGH) cây lúa khá cao, nhưng CGH trong các lĩnh vực khác còn nhiều hạn chế như: cây trồng cạn (mía, khoai, bắp, rau màu), vườn cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản…Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, CGH đồng bộ bao gồm công nghệ điều khiển tự động hóa cơ điện, điện tử trong sản xuất các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản; Xây dựng và phát triển các cơ sở tự động hoặc bán tự động trong trồng trọt (nhân giống và sản xuất rau, hoa), chăn nuôi (heo, gà, bò), thủy sản (sản xuất giống và nuôi thâm canh cá, tôm...).
- Trong chế biến, bảo quản: Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các chất phụ gia thiên nhiên, các kho lạnh để bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản, giảm thất thoát sau thu hoạch, chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến để tăng GTGT nông sản; Xây dựng và mở rộng mô hình bảo quản dài ngày sản phẩm thủy sản trên tàu cá; chế biến các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao.
3.2.7. Trong diêm nghiệp, nghề muối
- Cần đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất muối.
- Hỗ trợ, nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất muối sạch để nâng cao năng, chất lượng, sản lượng muối, tạo nguồn nguyên liệu sạch, ổn định cho chế biến muối tinh chất lượng cao, kết hợp thu hồi các sản phẩm phụ có giá trị (thạch cao, nước ót);
- Ứng dụng kỹ thuật trãi bạt, phủ bạt che mưa ô kết tinh để giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch muối để nâng cao năng suất.
Tóm lại, để phát triển nông nghiệp VN đặt biệt là cho vùng ĐBSCL bền vững thích ứng hội nhập và biến đổi khí hậu, có lẽ chúng ta nên phát huy tốt công nghệ truyền thống, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng dần nông nghiệp công nghệ cao và tiếp cận công nghệ thông minh 4.0. Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển nền nông nghiệp từ dựa vào tài nguyên đất đai, lao động sang nền nông nghiệp KHCN, sáng tạo. Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0 phải dựa vào các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về tài chính, lao động tri thức, sản xuất sản lượng lớn, chất lượng cao, đồng đều, ATVSTP, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và giải quyết ổn định đầu ra của sản phẩm, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao cả về chuyên môn kỹ thuật và quản lý, v.v... có như vậy nền nông nghiệp nước ta mới có điều kiện tiếp cận nền nông nghiệp thông minh 4.0.
TS. Lê Văn Bảnh