Ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp

       Hiện nay việc các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường gắn mác là thực phẩm sạch không còn xa lạ. Tuy nhiên chất lượng các loại nông sản, thực phẩm đó có đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm không lại là vấn đề khác, điển hình gần nhất là báo đài đưa tin việc một trường mầm non trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để xảy ra tình trạng thực phẩm trong bữa ăn của các cháu học sinh bị nhiễm sán lợn đã gây xôn xao dư luận. Vì vậy, người tiêu dùng mong muốn và hướng tới tìm kiếm các loại sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất rõ ràng.

       Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay các kênh thông tin từ nhà sản xuất đến kênh phân phối và người tiêu dùng còn thiếu và hạn chế, nhất là đối với các hộ sản xuất, các HTX là những đối tượng không có được các kiến thức cần thiết để tìm cho mình các kênh phân phối hiệu quả. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

       Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thời đại công nghệ số như hiện nay, thông qua các mạng xã hội như Facebook, zalo... và các website, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm đến những thương hiệu nông sản nổi tiếng của tỉnh, như: Cá sặc rằn U Minh; Mật ong rừng U Minh; Dưa hấu Lý Văn Lâm, Cua Năm Căn... điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà thúc đẩy hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Soi mã vạch để kiểm tra sản phẩm

       Theo số liệu thống kê từ năm 2009 đến cuối năm 2018, Sở Công Thương Cà Mau đã hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử cho 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, một con số khá khiêm tốn so với hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, phần nào cho thấy việc ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế, do chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh mà đa phần là mua bán theo hình thức truyền thống.

       Căn cứ Quyết định số 1839/QĐ-UBND ngày 26/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc ban hành Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 – 2020, hàng năm Sở Công Thương đều xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh xây dựng website thương mại điện tử, thông qua đó tạo thêm một kênh thông tin, quảng bá sản phẩm và bán hàng cho doanh nghiệp, HTX cũng như cơ sở sản xuất.

       Thông qua trang website TMĐT, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất của tỉnh có thể tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian.

       Bên cạnh đó, với việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh… sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ. Điển hình tháng 4 năm 2018, thông qua một trong những tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, sầu riêng Thái Lan đã tiêu thụ gần 200 tấn chỉ sau 01 phút chào bán trên trang thương mại điện tử này.

          Ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để làm được điều đó mà trên hết cần thiết phải xây dựng chuỗi giá trị. Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chế biến nông sản, các HTX có quy mô vừa và nhỏ, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để trang bị hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa mang tên VNPT Check.

       Một giải pháp được xem là hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đó là cần triển khai kết nối chương trình mỗi xã một sản phẩm với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp, HTX và các nông hộ sản xuất lớn thiết kế, ứng dụng bao bì, tem nhãn đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả.

       Hiện nay, Sở Công Thương Cà Mau đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1039/QĐ-UBND, ngày 29/6/2018 về việc phê duyệt Đề án “quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2018 – 2020” và đang trong quá trình triển khai thực hiện giai đoạn 1.

       Theo đó, giai đoạn 1 sử dụng các công nghệ thông dụng, dễ sử dụng như QR code, vòng nhận diện, điện toán đám mây, tem điên tử tất cả được kết hợp, điều hành bằng hệ thống công nghệ quản lý giao dịch, nhận dạng ưu việt của Châu Âu TE-Card để tập trung quản lý chất lượng thịt heo từ thương lái, cơ sở giết mổ tập trung, chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm và người tiêu dùng; giai đoạn 2 sẽ sử dụng thêm chip điện tử gắn trên tai heo để quản lý toàn bộ thông tin về vòng đời con heo từ khi sinh ra. Thông qua Đề án, việc sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng không còn là điều quá xa vời với người tiêu dùng.

       Với mục tiêu của Đề án là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt heo để triển khai nhân rộng mô hình giai đoạn 2019 – 2020; xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP.

       Vì vậy, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có thể tùy tình hình thực tế, các mặt hàng cụ thể mà ứng dụng việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm, có được như vậy sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ dễ dàng tiêu thụ, được giá mà còn góp phần hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn như hiện nay; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp cũng là góp phần thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

Sở Công Thương