Xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “ba khía – cà mau” cho đặc sản của tỉnh Cà Mau

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Cà Mau hiện có nhiều đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các thủy sản gắn liền với địa danh trong tỉnh. Để nâng cao giá trị và khả năng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, những năm gần đây, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau đã chú trọng thực hiện hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm này, qua đó, trở thành “điểm tựa” để đặc sản địa phương phát triển bền vững. Sản phẩm Ba khía không chỉ là món ăn đặc sản của riêng người Cà Mau mà đã trở thành món ngon của vùng miền., đặc biệt năm 2019, nghề muối ba khía tại huyện Ngọc Hiển đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4612/QĐ-BVHTTDL. Để phát triển thương hiệu ba khía trên thị trường, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống làng nghề, góp phần quảng bá, kích cầu du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau” vào Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Cà Mau, năm 2021. Dự án: Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau” do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau chủ trì, Ks. Nguyễn Thị Mỹ làm chủ nhiệm, trong thời gian 15 tháng (9/2021-12/2022). Thuộc Chương trình Xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản ở địa phương. Địa điểm thực hiện dự án trên địa bàn 04 huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và Đầm Dơi tỉnh Cà Mau.

2. Kết quả thực hiện

2.1. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”

Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” được nộp đến Văn phòng 2 – Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/02/2022, số đơn: 4-2022-05088. Thành phần hồ sơ gồm:

-  Mẫu nhãn hiệu.

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu.

- Giấy ủy quyền.

- Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía - Cà Mau”.

- Văn bản của UBND tỉnh Cà Mau cho phép sử dụng địa danh “CÀ MAU” gắn với nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía - Cà Mau”.

- Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh có xác nhận của UBND tỉnh Cà Mau, gồm các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và Đầm Dơi.

Nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 94579/QĐ-SHTT ngày 25/10/2022 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, có hiệu lực 10 (mười) năm tính từ ngày 18/02/2022. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau” là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Cà Mau theo Công văn số 493/UBND-KGVX ngày 27/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc trao quyền sở hữu và cho phép sử dụng địa danh của địa phương để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.

* Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận gồm:

- Ba khía tươi.

- Ba khía muối

* Dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận gồm:

- Dịch vụ mua bán ba khía tươi, ba khía muối.

- Dịch vụ quảng cáo, quảng bá ba khía tươi, ba khía muối.

Hình 1. Logo nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía  – Cà Mau”

2.2. Xây dựng quy chế, quy trình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”

 Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện 04 (bốn) quy chế, 01 quy trình phục vụ quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”. Các quy chế, quy trình bao gồm:

- Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”.

- Quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”.

- Quy chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”.

- Quy chế cấp và sử dụng tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”.

- Quy trình khai thác, chế biến sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”.

cả các quy chế, quy trình nói trên đều được đóng thành quyển nhỏ, khổ 10 x 14 cm để phục vụ các thành viên, người dân và doanh nghiệp có liên quan đến NHCN “Ba khía – Cà Mau”. Các quy chế, quy trình được xây dựng, hoàn thiện và do chủ sở hữu ban hành là cơ sở pháp lý để Chủ sở hữu và Ban quản lý khai thác và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Ba khía – Cà Mau” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Về lâu dài, nếu các quy chế, quy trình trong quá trình vận hành có những sai sót, không còn phù hợp với tình hình thực tế,… chủ sở hữu và ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận nghiên cứu, chỉnh sửa và ban hành lại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để phù hợp với điều kiện quản lý thực tế tại địa phương.

Ban chủ nhiệm dự án phối hợp chủ sở hữu và các đơn vị có liên quan tổ chức 01 lớp tập huấn với chủ đề: Triển khai các quy chế, quy trình quản lý nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Ba khía – Cà Mau” tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vơi khoảng 30 người tham dự.  Lớp tập huấn đã trang bị được những kiến thức cần thiết về sở hữu trí tuệ cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, góp phần nâng cao việc khai thác, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”, tạo điều kiện thuận lợi để nhãn hiệu được bảo hộ phát triển ổn định, hiệu quả trong thời gian tới.

Hình 2 : Tập huấn triển khai các quy chế, quy trình quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”

 

2.3. Đề xuất xây dựng mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”

Để đảm bảo chất lượng đầu ra và nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường đối với nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau”, Ban chủ nhiệm xây dựng mô hình quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận, góp phần quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Về lâu dài, trong quá trình vận hành, nếu có phát sinh những nội dung bất hợp lý thì chủ sở hữu, ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận, doanh nghiệp và người dân sử dụng vùng triển khai dự án sẽ bàn bạc, chỉnh sửa để mô hình để phù hợp hơn, đảm bảo mô hình vận hành ổn định, hiệu quả.

Hình 3: Mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Ba khía – Cà Mau” (Nguồn Văn phòng 2 – Cục SHTT)

3. Hiệu quả dự án

3.1 Hiệu quả về mặt khoa học

Dự án không chỉ xác lập thành công quyền sở hữu công nghiệp đối với NHCN “Ba khía – Cà Mau” mà còn xây dựng được hệ thống văn bản quản lý đầy đủ, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và góp phần giữ vững, nâng cao giá trị uy tín cho sản phẩm “Ba khía - Cà Mau”, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phát triển NHCN “Ba khía – Cà Mau” sau khi kết thúc Dự án. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì đã tạo được cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm mang NHCN, cho việc quản lý và thương mại hóa sản phẩm mang NHCN, khẳng định vai trò của SHTT trong bối cảnh mới, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế xã hội nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản địa phương tỉnh Cà Mau nói riêng. 

3.2. Hiệu quả về mặt kinh tế xã hội

Kết quả Dự án là căn cứ pháp lý để khẳng định quyền đối với sản phẩm ba khía của tỉnh Cà Mau, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp nâng cao uy tín, chất lượng, hiệu quả khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm từ ba khía, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống đối với người dân vùng nông thôn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. NHCN cũng là công cụ nhằm giữ gìn và phát triển danh tiếng của sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, khai thác hiệu quả lợi thế và tăng giá trị tài sản trí tuệ trong từng sản phẩm ba khía của tỉnh Cà Mau. Mặt khác, việc xây dựng, quản lý và phát triển thành công NHCN “Ba khía – Cà Mau” còn góp phần tạo cơ sở vững chắc, an tâm cho người tiêu dùng khi sử dụng, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm và hình ảnh cho địa phương.

        Bên cạnh đó, đối với tỉnh Cà Mau, việc thực hiện thành công Dự án còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức về NHCN, về việc sử dụng quyền SHTT. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong hoạt động kinh doanh sản xuất phát triển sản phẩm mà đối với công tác giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề, góp phần quảng bá, kích cầu du lịch tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống người dân.

4. Đề xuất, kiến nghị:

Nhằm duy trì và phát triển thuận lợi NHCN “Ba khía – Cà Mau” đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực từ các cơ quan lãnh đạo Sở ban ngành của tỉnh, các tổ chức hội nghề nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý tại địa phương, phải làm sao để cho người dân hiểu được vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Đồng thời, chính người dân phải được nâng cao kiến thức về nông nghiệp nông thôn, về quy trình khai thác, sản xuất và chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn góc sản phẩm. Để xây dựng và phát triển NHCN “Ba khía – Cà Mau” trong thời gian, cần cụ thể hóa một số giải pháp như:

- Đối với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Cà Mau (Chi cục): là chủ sở hữu NHCN, với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kím thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân khai thác và kinh doanh sản phẩm ba khía trong tỉnh ngày càng tốt hơn. Chi cục cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các thành viên sử dụng NHCN thực hiện đúng các quy chế, quy trình đã ban hành nhằm đảm bảo đầu ra của các sản phẩm đồng đều, ổn định về mặt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giữ vững thương hiệu ba khía Cà Mau. Vận hành hiệu quả mô hình quản lý, các quy chế, quy trình và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm ba khía lên một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội để mọi người biết đến sản phẩm “Ba khía - Cà Mau” nhiều hơn.

 Chi cục thường xuyên mở các lớp hội thảo, tập huấn để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về SHTT cho doanh nghiệp và người dân vùng triển khai dự án; có phương án hỗ trợ, xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ; nghiên cứu và ứng dụng quy trình công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm ba khía góp phần đưa NHCN “Ba khía - Cà Mau” phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể, kết hợp vừa khai thác vừa bảo tồn nguồn nguyên liệu ba khía tự nhiên phục vụ sản xuất bền vững.

- Đối các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau và chính quyền địa phương:

 (i) Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, phối hợp với chủ sở hữu quản lý NHCN và các cơ quan có liên quan hỗ trợ nguồn vốn, trang thiết bị để nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm; Tăng cường công tác tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm ba khía Cà Mau; Khuyến khích thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, các HTX khai thác, sử dụng NHCN; Tăng cường khả năng dự báo, dự đoán sản lượng, giá bán của các hàng hóa đặc sản địa phương nói chung, ba khía nói riêng để tạo kênh thông tin tham khảo và xúc tiến kết nối, tiêu thụ. Quan tâm tạo điều kiện trong việc thực hiện các thủ tục để các tổ chức, cơ sở được trao quyền sử dụng NHCN theo quy định.

(ii) Tiếp tục hỗ trợ người dân kỹ thuật khai thác và chế biến ba khía, quan tâm khai thác nguồn nguyên liệu hợp lý, bền vững, kết hợp phát triển nguồn giống, quy hoạch khu nuôi để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân và nhu cầu thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất và kinh doanh có sự liên kết thống nhất của các cơ sở sản xuất trong việc thu mua, giá cả, kích cở… để tránh tình trạng khai thác bừa bãi làm suy giảm chất lượng và cạn kiệt nguồn ba khía. Đề ra các giải pháp hiệu quả trong việc khai thác, bảo tồn nguồn nguyên liệu ba khía.

(iii) Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân có liên quan đến sản xuất và kinh doanh sản phẩm ba khía tham gia các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc, Sàn giao dịch thương mại điện tử, chương trình khuyến công, khuyến nông, sản phẩm OCOP,.... để nâng cấp, phát triển sản phẩm đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống người dân và bảo tồn những giá trị truyền thống, tạo dựng được một thương hiệu đặc trưng của tỉnh Cà Mau.

(iv) Cần đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối, các điểm bán hàng đặc sản của tỉnh. Đặc biệt, khai thác kênh thương mại điện tử để thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số. Mở rộng kênh tiêu thụ ra thị trường quốc tế, kết nối thương mại, giới thiệu sản phẩm ba khía đến các quốc gia châu Á có nền ẩm thực tương đồng. Đặc biệt, thúc đẩy quảng bá sản phẩm với thương mại điện tử. Đây là kênh kết nối thông tin, bán hàng quan trọng, mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng áp lực cạnh tranh cao nên cần phải đảm bảo độ nhận diện thương hiệu đủ mạnh và chất lượng.

(v) Hướng đến phát triển du lịch và các giá trị văn hóa của sản phẩm ba khía đưa sản phẩm ba khía trở thành quà tặng đặc sản; kết hợp du lịch farmstay, tham gia trải nghiệm bắt ba khía, khuyến khích người dân phát triển và tôn tạo làng nghề ba khía đã được công nhận văn hóa phi vật thể.

- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Cần xây dựng hình ảnh, bao bì, nhãn mác, thực hiện đầy đủ các chứng nhận về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc để đảm bảo yêu cầu trong việc sử dụng, khai thác hiệu quả từ các nhãn hiệu đạt được, tạo được niềm tin đối với khách hàng. Nghiên cứu, phát triển và đổi mới sản phẩm từ ba khía, nhằm mở rộng nhu cầu và đa dạng hóa sản phẩm kết hợp phục vụ du lịch để nâng cao giá trị ba khía và các sản phẩm khác từ ba khía của tỉnh Cà Mau.

Ks. Nguyễn Thị Mỹ, Ths. Tô Thảo Đang

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN