Xây dựng phong trào khởi nghiệp, giáo dục nghề nghiệp tại trường cao đẳng cộng đồng Cà Mau

       Hiện nay, thuật ngữ “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (KN ĐMST) xuất hiện rất thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo cũng như trong cuộc sống xung quanh chúng ta. Điều này chứng tỏ rằng hoạt động KN ĐMST đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và gần đây nhất đã được đưa vào nội dung các môn học trong chương trình giáo dục nghề nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng. Tại Cà Mau, một trong những trường giáo dục nghề nghiệp đi đầu và đạt nhiều thành tích trong phong trào KN ĐMST là Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Cà Mau. Hoạt động KN ĐMST không chỉ phát triển rộng rãi trong đối tượng là giảng viên mà còn lan tỏa đến sinh viên và phong trào này bước đầu đã đạt được nhiều thành công, tạo được nhiều hiệu ứng tích cực tại Trường CĐCĐ Cà Mau và địa phương. 

       Xây dựng phong trào kn đmst trong nhà trường

       Trường CĐCĐ Cà Mau tiền thân là Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định thành lập từ năm 2007, đến năm 2008 chuyển thành Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau có chức năng đào tạo trình độ từ cao đẳng trở xuống. Năm 2017, Trường chuyển sang đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các khối ngành Kinh tế (Kế toán, Kế toán doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh), Ngoại ngữ (Tiếng Anh biên - phiên dịch), Công nghệ thông tin (Công nghệ thông tin, Lắp ráp và Cài đặt máy tính, Tin học văn phòng), Du lịch sinh thái, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi thú y và các trình độ sơ cấp nghề, đào tạo nghề ngắn hạn. Bên cạnh đó, hiện nay, Trường vẫn giữ chức năng đào tạo cao đẳng sư phạm ngành Giáo dục mầm non theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài các hoạt động chính thì các hoạt động phong trào cũng được Lãnh đạo Trường quan tâm, đặc biệt nhất là trong khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào KN ĐMST đang rất được sự hưởng ứng của giảng viên và sinh viên Trường.

       Năm 2022, lần đầu tiên, nhóm 4 giảng viên nữ của Trường CĐCĐ Cà Mau đã đăng ký tham gia Cuộc thi “Ý tưởng, Dự án KN-ĐMST tỉnh Cà Mau năm 2022” với Dự án “Phát triển nghề Đan - Móc và Thêu các sản phẩm thủ công từ len sợi” và kết quả đã đạt giải Nhì. Sau đó, cũng với dự án trên, nhóm giảng viên đã tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức, kết quả đã vào Vòng chung kết, top 10 của cuộc thi.
 

Dự án Phát triển nghề đan móc thêu các sản phẩm thủ công từ len sợi nhận giấy chứng nhận từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau      Ảnh: Tg

       Mới đây nhất, ngày 22/12/2023, Trường CĐCĐ Cà Mau tiếp tục có thêm Dự án “Cua biển Việt - tạo nên sự khác biệt” của nhóm giảng viên và sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản, Khoa Kinh tế - Nông nghiệp đã đứng thứ nhì (Giải Ba, do cuộc thi không có giải Nhất) Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức sau khi vượt qua 1.511 hồ sơ của hơn 4.000 thí sinh từ 12/13 tỉnh/thành khu vực ĐBSCL và các tỉnh/thành ngoài khu vực. Dự án này trước đó cũng đã đạt giải Nhì Cuộc thi “Ý tưởng, Dự án KN ĐMST tỉnh Cà Mau năm 2023”.  Đứng đầu Dự án là Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, giảng viên bộ môn Nuôi trồng thủy sản đã có nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học về thủy sản, đặc biệt là về ươm tạo cua và nay là nuôi và sản xuất các sản phẩm từ cua. Chính vì vậy mà thầy Bắc được mọi người tặng cho tên gọi thân thương là tiến sĩ cua, ngoài việc là giảng viên của bộ môn Nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn cho sinh viên lai tạo, ươm tạo giống, vỗ béo các loài cua, cá thì TS Bắc cũng đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân ở địa phương bằng hình thức sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới bằng cua biển và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.
  

Dự án “Cua biển Việt - Tạo nên sự khác biệt nhận giải Nhì tại cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023. Ảnh: Tg

       Ngoài phong trào khởi nghiệp trong giảng viên thì các tổ chức đoàn thanh niên và hội sinh viên - đại diện cho tiếng nói của tuổi trẻ HSSV Trường CĐCĐ Cà Mau cũng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp CMCC (Ca Mau Community College) vào ngày 03/3/2023. Sau khi CLB Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau đã được thành lập trước đó vài tháng. Hiện nay, CLB Khởi nghiệp CMCC có khoảng 50 sinh viên là thành viên chính thức. Sau hơn 1 năm thành lập, CLB Khởi nghiệp CMCC cũng đã kiện toàn lại nhân sự là Ban Chủ nhiệm CLB với 5 thành viên, và các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB đều có kinh nghiệm, có dự án khởi nghiệp đã tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong tỉnh, khu vực hoặc đang kinh doanh thực tế, có thu nhập, có lợi nhuận. 

       CLB Khởi nghiệp CMCC đã hướng dẫn, tạo điều kiện để 3 nhóm sinh viên có dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký tham gia cuộc thi “Ý tưởng HSSV Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL lần II năm 2023 (INNOBE 2023) do Trường Đại học Trà Vinh tổ chức. Kết quả, có 2/3 ý tưởng vào Vòng chung kết là ý tưởng: “Xây dựng Trợ lý ảo thông minh cho cơ quan, doanh nghiệp” và “Liliti handmade, móc - thêu - trang trí hoa, thú, các sản phẩm thủ công theo xu hướng hiện đại”. Ý tưởng “Liliti handmade, móc - thêu - trang trí hoa, thú, các sản phẩm thủ công theo xu hướng hiện đại” của sinh viên phát triển từ Dự án “Phát triển nghề đan - móc và thêu các sản phẩm thủ công từ len sợi” của nhóm giảng viên với hy vọng là ngày càng có nhiều phụ nữ nông thôn, đối tượng yếu thế trong xã hội sẽ có việc làm, tăng thêm thu nhập và hướng đến các giá trị nghệ thuật trang trí, thiết kế để tạo ra các sản phẩm thủ công đẹp, kết hợp mĩ thuật tạo hình để hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm. 
 

Sinh viên Trường CĐCĐ Cà Mau tham gia Vòng chung kết Cuộc thi  “Ý tưởng HSSV Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL lần II năm 2023” ( INOBE 2023) tại Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh:Tg

       Tác động lan tỏa của phong trào kn đmst trong giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên

       Những năm qua, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã rất quan tâm và tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp trong tỉnh có cơ hội phát triển, trong đó có Dự án “Phát triển nghề Đan - Móc và Thêu các sản phẩm thủ công từ len sợi” của nhóm giảng viên nữ của Trường CĐCĐ Cà Mau. Qua đó đã tạo điều kiện rất nhiều cho nhóm giảng viên khởi nghiệp trong công tác giới thiệu, trưng bày và thương mại sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, tại không gian Cà phê Khởi nghiệp của iPec và một số địa điểm khác trong tỉnh. Phong trào KN ĐMST trong giảng viên và sinh viên của Trường CĐCĐ Cà Mau ngày càng trở nên sôi động và được quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh Cà Mau cũng đã rất quan tâm, tạo điều kiện để đưa dự án khởi nghiệp vào thực tế và được mở rộng, phát triển thông qua hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2023, Trường CĐCĐ Cà Mau đã đào tạo 4 lớp nghề Đan đát (Đan móc thủ công) cho 110 lao động nông thôn tại các huyện Đầm Dơi và U Minh. Đa số các chị em học viên sau khi học nghề đều đã tự làm sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cá nhân, biếu tặng người thân, bạn bè và trong số đó đã có nhiều chị em có đơn hàng và thu nhập ổn định, nâng cao được chất lượng cuộc sống.
 

        Sản phẩm đan móc của các chị em học viên tại lớp nghề Đan đát (Đan móc thủ công) ở Ấp 15, xã Khánh Lâm, U Minh   Ảnh:Tg

       Dự án “Cua biển Việt - tạo nên sự khác biệt” của nhóm giảng viên và sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như: chả giò cua biển, chả cua biển, chà bông cua biển, … sản phẩm được thương mại hóa và đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, đặc biệt đã đi vào thực đơn của một số nhà hàng trong tỉnh. Vừa qua, Dự án này đã được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau tặng thưởng giải Nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ VIII năm 2023 và được cử đi tham dự cuộc thi của Trung ương tại Hà Nội. Trong tương lai gần, dự án này hứa hẹn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tạo thu nhập cho người dân nuôi cua trên địa bàn tỉnh với ước tính tăng thêm 10% doanh thu cho người dân khi liên kết chuỗi cung ứng với dự án. 

 

Các sản phẩm từ cua của Dự án “Cua biển Việt - Tạo nên sự khác biệt” của nhóm Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, Trường CĐCĐ Cà Mau. Ảnh: Tg

       Đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường CĐCĐ Cà Mau luôn được duy trì và phát triển, có dự án đã tạo ra đươc thu nhập và cũng đã tạo ra được môi trường làm việc để duy trì đam mê của bản thân và lan tỏa cho cộng đồng như nhóm Liliti handmade - móc, thêu và trang trí hoa, thú, các sản phẩm thủ công theo xu hướng hiện đại và nhóm thiết kế và trang trí hồ cá cảnh. Riêng nhóm trang trí hồ cá cảnh cũng đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng ủng hộ từ thầy cô, bạn bè và các khách hàng bên ngoài Trường. Dự án ươm nuôi cá cảnh, trang trí thiết kế hồ cá cảnh của các em sinh viên cao đẳng ngành Nuôi trồng thủy sản đã được các thầy cô trong nhà trường quảng bá và đã có nhiều cá nhân, đơn vị đặt hàng để các em thiết kế hồ cá, mang lại thu nhập cho sinh viên. Ý tưởng sử dụng các sản phẩm nhựa tái chế để làm dụng cụ, đồ dùng học tập và giảng dạy, các mô hình góc học tập của sinh viên cao đẳng Giáo dục mầm non cũng đã đưa vào áp dụng thực tế tại Trường. Ý tưởng trang trí hoa kẽm nhung của các em sinh viên ngành Kế toán cũng đã tạo ra thu nhập và được lan tỏa rộng khắp trong sinh viên Trường và ở nhiều địa phương trong tỉnh.

       Kết luận

       Phong trào khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo của giảng viên và sinh viên Trường CĐCĐ Cà Mau không chỉ dừng lại ở ý tưởng, dự án mà các ý tưởng, dự án ấy đã được đi vào thực tế cuộc sống. Ngoài việc mang lại giá trị kinh tế cho những cá nhân tham gia dự án còn mang lại giá trị cho cộng đồng, tạo được hiệu ứng tích cực trong giảng viên và sinh viên, giúp sinh viên giáo dục nghề nghiệp ngoài việc học tập tại Trường cũng có thêm sân chơi trải nghiệm thực tế để rút ra những bài học kinh nghiệm giúp ích cho công việc sau khi tốt nghiệp ra trường và mạnh dạn hơn trong việc đứng ra làm chủ bản thân.

       Ngoài ra, việc tham gia các Câu lạc bộ khởi nghiệp, các nhóm khởi nghiệp, các buổi tọa đàm, hội thảo, … cũng giúp ích cho sinh viên rất nhiều trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo như sách của các nhà nghiên cứu, các kiến thức, kinh nghiệm thực tế từ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công lẫn thất bại. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu để làm hành trang cho các em sinh viên có thể áp dụng sau khi tốt nghiệp ra trường./.

ThS. Trần Kim Ngoan - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau

       Tài liệu tham khảo
       Eric Ries, The lean starup - Khởi nghiệp tinh gọn (2021), Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
       Nguyễn Văn Vũ An (chủ biên), Khởi nghiệp – Lý thuyết và trải nghiệm (dành cho học viên) (2019), Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
       Nguyễn Văn Vũ An (chủ biên), Phương pháp giảng dạy các kỹ năng cho quá trình khởi nghiệp (dành cho giảng viên) (2021), Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
       Sử Huỳnh Anh - Trần Kim Ngoan - Nguyễn Thị Oanh - Nguyễn Hồng Sửa, Dự án “Phát triển nghề Đan - Móc và Thêu các sản phẩm thủ công từ len sợi”, 2022, Trường CĐCĐ Cà Mau (Giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau năm 2022, Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022)
       Nguyễn Việt Bắc - Dương Xuân Đào - Phạm Ngọc Sang - Nguyễn Thị Tiên, Dự án “Cua biển Việt - tạo nên sự khác biệt”, 2023, Trường CĐCĐ Cà Mau (Giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau năm 2023, Giải Ba Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 - Cuộc thi không có giải Nhất.)
       Phạm Ngọc Chúc - Nguyễn Thị Thảo Huy - Nguyễn Trọng Nguyễn - Trần Quang Trọng, Ý tưởng: “Xây dựng trợ lý ảo thông minh cho cơ quan, doanh nghiệp”, 2023, Trường CĐCĐ Cà Mau (Vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng HSSV Khởi nghiệp Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023, INNOBE 2023)
       Hà Như Tiền - Châu Thị Lan Anh - Huỳnh Thảo Anh, Ý tưởng: “Liliti handmade - móc, thêu và trang trí hoa, thú, các sản phẩm thủ công theo xu hướng hiện đại”, 2023, Trường CĐCĐ Cà Mau (Vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng HSSV Khởi nghiệp Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023, INNOBE 2023).